Sau hơn một năm Trung tâm thương mại 9 tầng lớn nhất huyện Thanh Trì (Hà Nội) hoạt động, hàng trăm hộ kinh doanh rời bỏ chợ, đóng cửa sạp. Tòa nhà lớn hiện đại được đầu tư cả trăm tỷ đồng trở nên vắng lặng.
Trái ngược với vẻ ngoài hiện đại, bên trong trung tâm là hàng trăm gian hàng trống, đóng cửa im ắng. Trong ba tầng phần chợ khai trương từ tháng 1/2006 chỉ duy nhất khu bán hàng khô, rau quả, thịt, gạo (tầng hầm) duy trì được các quầy hàng. Nhưng cũng tại tầng này, vẫn còn 50-70 gian hàng bỏ trống.
Bước vào cửa đại sảnh tầng 1, khu vực bán hàng tạp hóa, mỹ phẩm, điện tử, cũng thấy hàng trăm gian hàng đóng kín cửa. Cả khu rộng lớn chỉ có gần 20 gian hàng mở cửa nhưng hoạt động cầm chừng. Chị Hương, bán tạp phẩm tại tầng 1 than vãn, ngồi cả ngày nhưng chỉ có 2-3 khách vào hỏi mua. Khéo miệng thì giữ được khách mua, lắm hôm không mở hàng.
Chị Hương than phiền chợ vắng đã ngán, nghĩ đến việc phải thu lại khoản tiền cả trăm triệu đồng thuê chỗ còn lo hơn. Chị cho biết, khu vực xây trung tâm thương mại, trước là chợ tạm của bà con ở thị trấn Văn Điển. Khi xây dựng trung tâm, ba tầng dưới là phần chợ, thay thế chợ tạm trước kia. Các hộ kinh doanh tại chợ cũ được chuyển về đây, từ tầng 1-2 phải thuê dài hạn giá trên chục triệu/m2 (mua chỗ ngồi), tầng hầm thuê ngắn hạn giá bình dân.
Theo chị Hương, nguyên nhân chính khiến nhiều hộ kinh doanh rời bỏ chợ vì ế khách. Mặt khác do giá bán gian hàng quá cao (khoảng 15 triệu đồng/m2) nên nhiều hộ kinh doanh không đủ tiền mua, khiến các gian hàng hoạt động thưa thớt. Một hộ kinh doanh tại đây còn cho biết, để tạo dựng thành gian hàng, mỗi hộ kinh doanh phải chi 5-7 triệu đồng thuê làm. Tuy nhiên, chủ đầu tư không cho phép các hộ kinh doanh trực tiếp làm mà đứng ra thu tiền làm quầy và vách ngăn với giá đắt gấp đôi giá ngoài.
Chưa hết, các hộ kinh doanh tại khu chợ trong trung tâm thương mại huyện Thanh Trì còn “tố” chủ đầu tư mới đây gửi thông báo thu tiền côngtơ, đường dây tải tiện với giá “cắt cổ” gần 4 triệu đồng/gian hàng. Một hộ kinh doanh khẳng định khi liên hệ với ngành điện thì được trả lời “không ở đâu bán côngtơ đắt vậy”. “Sau đó, các hộ kinh doanh phản đối nên hiện chủ đầu tư chưa thu được”, một hộ kinh doanh cho biết.
Đóng cửa để đó
Theo ban quản lý phần chợ Trung tâm thương mại huyện Thanh Trì, diện tích ba tầng dành họp chợ có khoảng 500 gian hàng. Hiện đã bàn giao chìa khóa 330 gian hàng cho các hộ kinh doanh chợ. Tuy nhiên, số hộ đang trực tiếp kinh doanh tại đây chỉ khoảng hơn trăm hộ. Những hộ đã nhận chìa khóa nhưng vì nhiều lý do vẫn đóng cửa để đó. Cũng theo ban quản lý, hiện còn 170 gian hàng tầng 1-3 đang rao bán nhưng không có người mua.
Ông Trần Ánh Dương, quản lý phần chợ,cho biết, theo hợp đồng thì công ty cho các hộ thuê gian hàng. Tuy nhiên, gian hàng ở đây được hiểu là số mét vuông, mốc giới và vị trí mà không có vách ngăn cách. Sau khi các hộ dân nhận vị trí, yêu cầu làm vách ngăn đương nhiên phải nộp tiền để làm theo mẫu thiết kế của Sở Thương mại, công ty trực tiếp đứng ra thu tiền.
Ông Dương cho biết mục tiêu xây dựng chợ ban đầu để “gom” các hộ đang hoạt động kinh doanh tại các khu vực chợ tạm, chợ cóc, chợ lấn chiếm vỉa hè. Thực tế có rất nhiều hộ đăng ký vào kinh doanh tại khu vực tầng hầm nhưng ngoài đường, vỉa hè còn bán được nên nhiều hộ ngại vào chợ.
(Theo Tuổi Trẻ)