SearchNews

Từ 1/9/2009: Mở cửa cho Việt kiều mua nhà

01/09/2009 04:29

Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai chính thức có hiệu lực, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền được mua và sở hữu nhà ở trong nước với số lượng không hạn chế.

Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai chính thức có hiệu lực, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền được mua và sở hữu nhà ở trong nước với số lượng không hạn chế.

Theo Luật sửa đổi, Việt kiều thuộc các đối tượng: người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống trong nước được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Mở rộng cửa cho Việt Kiều mua nhà tại Việt Nam. (Ảnh: Công Học)

Riêng người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định nêu trên, được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên, thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Các đối tượng người gốc Việt Nam bao gồm: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Cụ thể được chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa.

Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng có quyền thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam; được cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai chính thức có hiệu lực đã tạo điều kiện mở rộng cửa cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể mua và sở hữu nhà ở trong nước”.

Công Học

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu