UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện có cụm công nghiệp và hoàn chỉnh từng bước mỗi làng một nghề.
Mục tiêu của đề án là tập trung xây dựng mô hình đa dạng hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động, khai thác nguồn nguyên liệu tại địa phương, phục vụ nhu cầu thăm quan du lịch trong và ngoài nước.
Theo Kế hoạch trong giai đoạn năm 2010 - 2015, tỉnh sẽ ổn định ngành nghề gạch gốm hiện có, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất, nâng dần chất lượng sản phẩm; tập trung phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có lợi thế như gạch, gốm, gạch nung, trồng và se lõi lát, đang thảm lục bình…
Bên cạnh đó, để tạo ra giá trị sản phẩm hàng hoá xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người dân, tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh các làng nghề mới như chế biến khoai lang, hoa cây cảnh, đồ mộc, du lịch sinh thái, may thêu thủ công, trồng và sơ chế nấm rơm…; Phát triển ngành may mặc, ngành cơ khí và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp,cải tiến, đổi mới thiết bị trong lĩnh vực chế biến lương thực - thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao góp phần nâng cao giá trị hàng hoá đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong khu vực; tập trung đầu tư cho chế biến nông sản tiến tới đầu tư xây dựng kho lưu trữ, thiết bị đóng gói chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đề án còn đề ra định hướng phát triển, khôi phục và bảo tồn phát triển làng nghề trong đó chú trọng khôi phục, mở rộng quy mô làng nghề truyền thống theo hướng hội nhập, ưu tiên hỗ trợ những ngành nghề, làng nghề có thị trường, gắn với vùng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông thôn như: Làng nghề sản xuất gạch ngói, gốm đất đỏ, chế biến nông sản....
Cùng với đó, hàng năm, tỉnh đầu tư nguồn vốn ngân sách hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường đối với các cụm cơ sở ngành nghề, làng nghề thực hiện theo quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành nghề nông thôn; đồng thời hỗ trợ một số doanh nghiệp năng động làm nòng cốt thu hút các hộ tham gia phát triển ngành nghề nông thôn, hình thành làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ…
Năm 2020, tỉnh hướng đến mục tiêu, nâng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chiếm từ 50% - 55% trên giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn chiếm 20% -25% giá trị sản xuất chung của từng huyện; Lao động tham gia ngành nghề nông thôn chiếm 18% trong tổng số lao động nông thôn; phát huy các yếu tố nội lực và ngoại lực trên cơ sở lợi thế của từng vùng, phấn đấu mỗi huyện có cụm công nghiệp và hoàn chỉnh từng bước mỗi làng một nghề.
(Theo Chinhphu.vn)