Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng cho bất động sản (BĐS) bắt đầu được giải ngân từ ngày 1-6. Nhiều ý kiến cho rằng, mục đích của gói hỗ trợ này là giúp cho người có nhu cầu về nhà ở có cơ hội mua nhà, đồng thời đây cũng là đòn bẩy giúp thị trường BĐS, hỗ trợ doanh nghiệp BĐS. Song nói như tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, đừng mong gói hỗ trợ 30.000 tỉ sẽ giải quyết được khó khăn của thị trường BĐS.
Tạo động lực
Nói về hiệu quả của gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho BĐS, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, gói này đang có tác động tích cực tới thị trường BĐS, đó là cải thiện tâm lý của người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng như tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp BĐS quay trở lại thị trường.
“Gói hỗ trợ này sẽ tạo ra sự thay đổi khác về thói quen mua nhà của người dân Việt Nam. Từ chỗ người dân chỉ mua nhà khi tiết kiệm đủ tiền hoặc đi vay người quen, thì nay người dân có thể vay tiền ngân hàng với lãi suất thấp, kỳ hạn dài để mua nhà trả góp", ông Quyết nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS INFO (thuộc Ocean Group) cũng cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng được tung ra sẽ có tác động mạnh đến những người mua nhà lần đầu. Nếu chỉ cách đây 1 năm, việc mua nhà trả góp được ví như một giấc mơ xa vời, thậm chí với những người có thu nhập khá trong xã hội, thì nay, với mức lãi suất 6%/năm kéo dài trong 10 năm, việc mua nhà trả góp chỉ còn là khoản tiền đối ứng không quá lớn đã hấp dẫn nhiều cặp vợ chồng trẻ.
Theo ghi nhận từ sàn giao dịch BĐS INFO, hiện có khoảng 90% giao dịch BĐS có giá từ 1 tỉ đến 1,5 tỉ đồng, vì vậy những dự án có giá dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ thu hút những người có nhu cầu thực về nhà ở.
TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng, gói tín dụng này ngoài việc nhằm mục đích giúp đỡ cho người có thu nhập thấp có nhà, thì còn có tác dụng kích thích quá trình hồi phục của thị trường BĐS.
“Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc xây dựng nhà ở xã hội nên chúng tôi rất mừng khi có chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Nhà ở thu nhập thấp hay nhà ở xã hội là phần của BĐS vì thế khi có hỗ trợ thì nó góp phần giải quyết nhà ở cho người lao động và một phần gián tiếp giải cứu thị trường BĐS’, ông Trần Xuân Hùng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Viglacera cho hay.
Chưa “gỡ” khó cho thị trường
Có quan điểm cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng chỉ như “muối bỏ bể”, không thể cứu được thị trường BĐS hiện nay. Song, theo ông Quyết, việc phục hồi thị trường BĐS không thể chỉ đẩy gánh nặng cho Nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, gói hỗ trợ này nên được ghi nhận là một sự cố gắng của Chính Phủ trong nỗ lực phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Còn theo quan điểm của ông Liêm, chỉ trông chờ vào gói hỗ trợ này thì khó có thể giải quyết được khó khăn của thị trường BĐS hiện nay.
Theo phân tích của ông Liêm, mục đích của gói này là hỗ trợ những người thu nhập thấp vay tiền để mua nhà, nhưng liệu có nhà để mua hay không? Bởi hiện nay trên thị trường, nguồn cung về nhà giá rẻ vẫn chưa nhiều. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ phải chuyển đổi một số dự án từ căn hộ giá cao sang căn hộ giá rẻ, cho nên họ cũng cần vốn đầu tư.
“Hơn nữa, do trước đây các doanh nghiệp BĐS đã huy động vốn của người mua dưới hình thức góp vốn, nên giờ muốn chuyển sang nhà ở giá rẻ thì có thể nhiều người góp vốn trước không muốn mua loại căn hộ này, do đó doanh nghiệp sẽ phải trả lại tiền. Do đó, gói tín dụng này trích ra 1/3 để giúp nhà đầu tư vay vốn chuyển đổi thì cũng là việc cần thiết. Chúng ta không nên hiểu sai vấn đề, là tại sao đi giúp doanh nghiệp BĐS, đáng ra phải giúp cho người thu nhập thấp. Cho nhà đầu tư vay tiền chính là mục đích để có nhà cho người thu nhập thấp mua được”, ông Liêm nói.
Với người mua thì vay bao nhiêu cũng không đủ, và dù gói hỗ trợ chỉ dành 30% cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, nhà giá rẻ có diện tích dưới 70m2 có giá dưới 15 triệu đồng/m2, song nhiều doanh nghiệp rất cần. Vì thế theo ông Liêm, chúng ta đừng khắt khe bởi trong lúc doanh nghiệp BĐS đang khó khăn, túng bấn thì con số trên cũng rất có ý nghĩa đối với họ.
Còn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết lại cho rằng, để chính sách hỗ trợ này thực sự có tác động hiệu quả hơn, cần mở rộng thêm các ngân hàng khác được tham gia phân bổ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, thay vì chỉ cho 5 ngân hàng. Bên cạnh đó, cần bổ sung cơ chế giám sát và hệ thống chế tài đủ mạnh, để phòng ngừa khả năng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để vay tiền thực hiện các mục đích khác, hay cho vay lại trá hình với lãi suất cao hơn để hưởng lợi.
“Phải có cơ chế cho vay và giải ngân như thế nào cho hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước nên đưa thêm điều kiện đối với các ngân hàng muốn tham gia phân bổ gói cứu trợ này, là phải cam kết cho đối tương vay ưu đãi được trả góp trong thời hạn từ 15-25 năm. Hay có cơ chế hỗ trợ đối tượng vay được ân hạn thời gian bắt đầu phải thanh toán gốc vay sau 2-3 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay”, ông Quyết nêu ý kiến
Theo thesaigontimes