Say mê xây dựng thể chế, chính sách, người đứng đầu ngành xây dựng từng nổi tiếng với phát ngôn “Là thành viên Chính phủ, tôi không thể có tiền cho dân nhưng sẽ tham gia xây dựng thể chế chính sách để nhà nước hỗ trợ người dân được cải thiện nhà ở.”
Bởi vậy, sự đổi mới của ngành xây dựng không quá “ồn ào” nhưng lại có chiều sâu và quyết liệt. Năm 2013, Bộ Xây dựng là “tác giả” thực hiện sửa đổi tới 3 bộ luật quan trọng cùng hàng chục nghị định với mục tiêu chính là chống thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng xung quanh vấn đề này.
- Trực tiếp điều hành, tham gia công tác làm luật, xây dựng thể chế, xin Bộ trưởng cho biết về những quan điểm đổi mới?
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Cũng như các lĩnh vực khác, ngành xây dựng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, hướng đi đã được xác định rất rõ ràng khi dồn mục tiêu tập trung cho công tác xây dựng thể chế, chính sách. Chưa bao giờ trong một năm mà Bộ làm tới 3 luật, đổi mới rất căn bản hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị và nhà ở, đó là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cả 3 luật này dự kiến trình Quốc hội để ban hành trong năm 2014.
Trong khi các luật chưa được ban hành thì Bộ Xây dựng đã kịp thời hoàn thiện các Nghị định quan trọng trình Chính phủ ban hành, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Điển hình là Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội... Những nghị định này đã cụ thể hóa quan điểm để phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó vừa coi trọng nguyên tắc thị trường để tạo động lực phát triển, đồng thời tăng cường vai trò điều tiết của Chính phủ, hướng tới lợi ích của nhân dân.
Hiện nay, hiệu quả đầu tư và chất lượng các công trình xây dựng của chúng ta chưa cao, cần phải khắc phục ngay. Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã giúp tăng cường quyền và trách nhiệm của các cơ quan, công chức quản lý nhà nước về xây dựng trong việc kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng. Đặc biệt, vấn đề tiền kiểm được đặt ra đối với thiết kế kỹ thuật và cả dự toán các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước. Thay vì trước đây phần việc này thường chỉ giao cho chủ đầu tư thực hiện thì nay sẽ do cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm. Tiền của nhà nước phải được kiểm soát ngay từ những khâu đầu tiên của toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Các quan chức, công chức phải đứng ra gánh trách nhiệm đó chứ không thể giao cho chủ đầu tư, dễ dẫn đến thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn với nhau gây thất thoát. Bởi vậy, không những chất lượng công trình được kiểm soát để bảo đảm an toàn mà còn giúp bịt lỗ hổng gây thất thoát vốn nhà nước.
Từ tháng 4/2013 khi Nghị định số 15 có hiệu lực, thống kê sơ bộ của 46/63 tỉnh thành phố đã cho thấy hiệu quả của công tác “tiền kiểm” là cắt giảm được 2.305 tỷ đồng trên tổng số vốn dự toán 27.443 tỷ đồng, (tương đương 8,4%), của dự toán 3.048 công trình vốn ngân sách nhà nước. Nếu tính mức trung bình 8,4% này thì mỗi năm, trong 250.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách có thể cắt giảm được khoảng 20.000 tỷ đồng. Chỉ cần một chính sách đúng đã tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà nước, vừa góp phần chống thất thoát vừa nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng. Chúng tôi phải rất quyết liệt mới có được Nghị định 15, không phải mọi ý kiến đều đồng thuận từ đầu vì e ngại chuyện thủ tục, phiền hà. Nhưng thủ tục là cần thiết, vấn đề là làm sao để thủ tục không gây phiền hà.
Cùng đó, Nghị định 11 là sự đổi mới căn bản về tư duy quản lý đô thị. Lần đầu tiên quan điểm quản lý đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch được đưa ra, để khắc phục tình trạng phát triển tràn lan, phong trào, thiếu quy hoạch, không có kế hoạch như thời gian vừa qua, dẫn đến khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển đô thị thiếu bền vững, gây lãng phí tài nguyên...
Trước đây, việc đầu tư xây dựng bị vượt quá với khả năng nguồn lực, yêu cầu của sự phát triển đã dẫn đến nhiều dự án bị bỏ hoang, dự án treo, quy hoạch treo. Quy hoạch treo là do không có kế hoạch. Đáng lẽ phải phân định những khu nào cần thực hiện trước, khu nào thực hiện sau, hay có những khu vực không sử dụng vào mục đích khác. Với những khu đất quy hoạch nhưng phải 10, 20 năm sau mới sử dụng thì cũng nên để người sử dụng đất được biết để có kế hoạch sử dụng cho phù hợp với mức độ đầu tư cũng như thời gian sử dụng của họ. Đó mới là tiết kiệm nguồn lực đầu tư, tránh tình trạng vừa làm xong lại phải phá bỏ vì vướng quy hoạch, rồi lại phải đền bù tốn kém cả công sức lẫn tiền bạc...
Đặc biệt là Nghị định 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã thể hiện một chính sách rất tập trung hướng tới người dân và cụ thể hóa các quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở. Nghị định này đã quy định rõ các chính sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn về nhà ở cả đô thị và nông thôn. Ngay cả các hộ gia đình cũng được khuyến khích tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng cơ chế, chính sách ưu đãi. Thực hiện chính sách này, người dân được hỗ trợ rất lớn, không phải nộp tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra, hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, chủ đầu tư chỉ được hưởng lợi nhuận định mức (10-15%)... nên giá nhà ở sẽ rẻ hơn thị trường khoảng 30-40% tùy theo từng vị trí.
Như vậy, cùng với thiết kế, quy mô căn hộ hợp lý, giá bán sẽ phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân, trong đó người dân lao động tại đô thị, cán bộ công chức-viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại khu công nghiệp... sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.
- Khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông từng chia sẻ không có tiền để cho dân nhưng sẽ hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở bằng thể chế, chính sách. Tâm nguyện này ông đã thực hiện ra sao thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Xây dựng thể chế, chính sách là những nhiệm vụ chính đồng thời cũng là cơ hội tốt để Bộ trưởng được triển khai các quan điểm mới có lợi cho nhân dân và xã hội. Là thành viên chính phủ, tôi không thể có tiền cho người dân nhưng luôn khẳng định sẽ tham gia xây dựng thể chế chính sách để Nhà nước hỗ trợ người dân được cải thiện nhà ở.
Phát triển nhà ở xã hội chính là mục tiêu của chiến lược nhà ở. Gỡ khó cho thị trường bất động sản phải khắc phục được lệch pha cung cầu, giảm nhà ở cao cấp, tăng cung ở phân khúc đang thiếu và thiếu rất nhiều là nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo. Nếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà không gắn với cải thiện nhà ở cho người nghèo, bỏ mặc người dân thì chưa đạt yêu cầu.
Căn hộ diện tích nhỏ, mang tính xã hội, giá rẻ, đồng thời được hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn sẽ giúp bình ổn giá nhà ở nói chung trên thị trường. Nghị định 188 chính là nhân tố mới giúp đưa nhà ở về giá trị thực của nó. Nhà ở xã hội chính là giá trị thực vì kiểm soát được chi phí, bán đúng chi phí và lợi nhuận chỉ trong giới hạn nhà nước cho phép; trong 5 năm người mua chỉ được chuyển nhượng cho cùng nhóm đối tượng. Như vậy, những người dân nghèo mới có nhiều cơ hội có nhà ở.
Những nước phát triển với mức thu nhập hàng chục nghìn USD trên đầu người thì cũng vẫn phải làm nhà ở xã hội. Đây chính là chiến lược lâu dài, song hành với phát triển kinh tế xã hội nên không thể làm ngay một lúc. Đã xây dựng được chính sách thì sẽ tạo cơ sở pháp lý, chính trị, kinh tế để từng bước đáp ứng nhu cầu, yêu cầu cải thiện nhà ở của người dân. Nghị định 188 quy định các tổ chức tín dụng phải dành ít nhất 3% dư nợ tín dụng với lãi suất thấp để cho doanh nghiệp vay xây nhà, người dân thuê-mua nhà cải thiện chỗ ở. Bởi vậy, sau khi giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì vẫn còn nhiều chương trình tín dụng khác cùng các định chế tài chính như quỹ tiết kiệm nhà ở... giúp hỗ trợ nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Hiện cả nước có 124 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn hộ, trong đó gồm 85 dự án dành cho người thu nhập thấp, tương đương 51.895 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 23.822 tỷ đồng; 39 dự án với 27.000 căn hộ dành cho công nhân khu công nghiệp có tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.
Cùng với việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, việc điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và tiêu chí cho vay theo NQ 02 của Chính phủ. Chiến lược nhà ở quốc gia mới bắt đầu thực hiện mà đã đạt kết quả này thì trong thời gian tới chắc chắn lượng cung nhà ở xã hội sẽ ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu người dân.
- Thị trường bất động sản Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi tích cực, được báo chí nước ngoài đánh giá đã “thoát đáy,” “hạ cánh mềm” trong khi những nền kinh tế mạnh trên thế giới không thiếu tiền nhưng đành “bó tay” nhìn thị trường nhạy cảm này sụp đổ. Chọn cách giải cứu thị trường bằng các chính sách linh hoạt và hợp lý có phải là một thành công rất lớn của Việt Nam? Có người ví von, Bộ trưởng đã “tay không bắt giặc” trong cuộc đấu này, ông nghĩ sao?
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đúng là một số nước phát triển đã giải quyết "bong bóng" bất động sản bằng cách bỏ tiền ngân sách ra mua lại hàng hóa dư thừa và khi thị trường bình ổn thì sẽ bán lại, có khi nhà nước còn có lãi. Ở Việt Nam, điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn chế nên tháo gỡ khó khăn, giảm tồn kho bất động sản phải cân nhắc trong tổng thể nền kinh tế, không thể rập khuôn cách làm của các nước khác.
Do đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất quan điểm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở và quản lý phát triển đô thị, trong đó chủ yếu là tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách như cho phép điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm thuế, giãn, hoãn nộp nghĩa vụ tài chính và chỉ có 1 gói tín dụng hỗ trợ nhà ở (30.000 tỷ đồng) cho vay đối với phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Tức là điều chỉnh một phần khối lượng hàng hóa dành cho đối tượng có tiền hiện đang dư thừa sang phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, đồng thời hỗ trợ tín dụng để họ có điều kiện về tài chính để mua nhà ở, đồng thời thực hiện Nghị định 11 với yêu cầu phát triển đô thị phải theo đúng quy hoạch và có kế hoạch, cũng từng bước khắc phục tính tự phát, phong trào của thị trường bất động sản để hướng đến lành mạnh, bền vững.
Thực tế, sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, thị trường bất động sản đã có xu hướng ấm lên, thể hiện qua thực tế giá giảm, lượng giao dịch tăng, tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, các dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng dần được hồi phục...
Cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường; doanh nghiệp cũng chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cơ cấu sản phẩm bất động sản và tăng cường thông tin, tiếp thị. Phân khúc nhà ở diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho loại sản phẩm này. Điều đó cho thấy các giải pháp đã đúng và mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo TTXVN