Được hình thành bởi hoạt động kiến tạo núi lửa giữa biển khơi, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có giá trị về địa chất, sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các thềm đá bazan kỳ vĩ, bãi tắm nhỏ hoang sơ từ các vụn san hô, sò điệp, nước biển trong và nhiệt độ ổn định cộng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lửa, rừng trên thềm san hô cổ khá hiếm...
Tháng 5/2005, đoàn công tác của Dự án bảo tồn biển (Bộ Thủy sản cũ) tiến hành khảo sát và nghiên cứu trên bờ biển đảo Cồn Cỏ đã phát hiện đáy biển Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất trong các đáy biển đã khảo sát ở Việt Nam như: Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu), Hòn Mun (Khánh Hòa) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Theo kết quả nghiên cứu, vùng biển Cồn Cỏ có tài nguyên sinh vật biển đa dạng như: rong biển (52 loài thuộc 3 ngành, trong đó 48 loài có giá trị kinh tế cao), san hô 109 loài, 42 giống của 15 họ, gắn với nó là nguồn tài nguyên sinh vật biển như các nhóm cá san hô, nhóm giáp xác, nhuyễn thể, cua, tôm hùm, ghẹ...
Tài nguyên rừng đảo Cồn Cỏ có vị trí hết sức quan trọng đối với hệ môi trường sinh thái, thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên nền san hô và mảnh vụn sò ốc, tạo sức hút về cảnh quan, môi trường cho hoạt động du lịch sinh thái, góp phần phát triển KT-XH trên đảo.
Việc khảo sát của đoàn nghiên cứu cho thấy Cồn Cỏ hoàn toàn thích hợp để xây dựng Khu bảo tồn biển. Và sự kỳ vọng vào việc xây dựng hòn đảo thành khu du lịch nổi tiếng nhen nhóm trong khát vọng vươn tới của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong từ quê hương Vĩnh Linh tình nguyện ra xây dựng Làng Thanh niên trên đảo đã thành hiện thực. Ngày 23/1/2008, Vụ KHCN- Bộ NN&PTNT phối hợp với tổ Tư vấn đề án thành lập Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ và tỉnh Quảng Trị đã triển khai hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các Khu bảo tồn biển, tạo tiền đề xây dựng Cồn Cỏ thành khu du lịch đảo đạt tiêu chuẩn quốc tế với diện tích khoảng 50 ha, tổng số vốn đầu tư 5.000.000 USD.
Điều thú vị là, Cồn Cỏ chỉ cách Cửa Việt 17 hải lý và Cửa Tùng 15 hải lý, sẽ là hòn ngọc xanh tuyệt đẹp trên biển miền Trung và các nước trên Hành lang kinh tế Đông- Tây vươn ra biển Đông. Đảo Cồn Cỏ được quy hoạch là một đỉnh trong tam giác phát triển du lịch Cửa Việt- Cửa Tùng- Cồn Cỏ, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung nối với các quốc gia trong khu vực trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây.
Theo ông Abelardo Pérez Ayllón, chuyên viên cao cấp của Viện Quy hoạch Cuba sang giúp tỉnh Quảng Trị lập quy hoạch tổng thể đảo Cồn Cỏ, đến với Cồn Cỏ trước hết là đến với rừng đảo và biển, do đó, trong quá trình quy hoạch và xây dựng phải hạn chế sự tác động của con người vào thiên nhiên.
Mặt khác, Cồn Cỏ gắn với lịch sử đấu tranh quật khởi của người dân Quảng Trị nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, do đó, quá trình phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo tồn và tôn vinh những giá trị lịch sử của hòn đảo. Hiện đảo Cồn Cỏ đã hoàn thành quy hoạch tổng thể, theo đó, những công trình xây dựng trên đảo cao không quá 2 tầng và phải dựa vào vị trí, địa hình để xây dựng nhằm khai thác hết lợi thế và vẻ đẹp của đảo.
Vẫn còn đó bao bộn bề khó khăn và nhiều việc phải làm để xây dựng Cồn Cỏ trở thành một điểm đến hấp dẫn. Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V (diễn ra trong 2 ngày 19-20/4/2010) đã thông qua Đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ với tổng kinh phí đầu tư phát triển từ nay đến năm 2020 là 986 tỷ đồng.
Trong đó giai đoạn khởi động (từ nay đến 2015) cần khoảng 641 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, vận tải hành khách, điện, nước… phục vụ dân sinh và du lịch trên đảo. Để Cồn Cỏ sớm trở thành hòn đảo du lịch hấp dẫn, tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (kể cả vốn đầu tư nước ngoài), đầu tư vào Cồn Cỏ...
Theo ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, để phát triển du lịch trên đảo, trước mắt đề nghị tỉnh đầu tư phát triển tuyến vận tải biển từ Cửa Việt, Cửa Tùng ra Cồn Cỏ với chi phí bến bãi hai đầu và 2 tàu cao tốc chở khách. Nâng cấp nguồn điện trên đảo lên 280 kVA và một dự án cấp nước ngọt công suất 50m3/ngày. Giải quyết được các vấn đề cơ bản đó, chắc chắn Cồn Cỏ sẽ đón được du khách đến tham quan du lịch.
Hiện Cồn Cỏ đã tính đến sự phát triển bền vững cho tương lai của hòn đảo du lịch- văn hóa bằng những việc làm cụ thể như: mua giống động vật hoang dã từ đất liền đem ra thả vào rừng, cấm không được khai thác cua đá...
Bên cạnh đó, ngày 14/10/2009, UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Đây được coi là khu bảo tồn loài, sinh cảnh thủy sinh, đáp ứng các tiêu chí là khu vực tự nhiên, là môi trường sống, sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật có giá trị kinh tế và khoa học, giáo dục, góp phần xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ trở thành huyện đảo du lịch trong thời gian tới.
Những lần ra với đảo, đến với tuor du lịch 1 ngày, 1 đêm trên đảo Cồn Cỏ chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho du khách, bởi họ đến đây không chỉ được thăm hòn đảo nhỏ được mệnh danh là “chiến hạm không bao giờ chìm trên biển Đông” từng 2 lần được phong tặng anh hùng LLVT, mà còn “thưởng thức” hương vị mặn mòi của những ngọn nồm nam đại dương, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo. Nếu tổ chức thêm được loại hình lặn thám hiểm biển khơi, tin chắc rằng Cồn Cỏ sẽ là điểm đến hấp dẫn ở biển miền Trung và của các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây.
(Theo Báo Quảng Trị)