SearchNews

Ý kiến NHNN về "gói" 50 nghìn tỷ đồng

11/04/2014 09:54

Chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng-bất động sản nhằm đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi liên kết "4 nhà".

Chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng-bất động sản nhằm đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi liên kết "4 nhà". Tuy nhiên, đây chỉ là chương trình tín dụng thương mại thông thường, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định điều này, khi trao đổi với phóng viên về chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng- bất động sản và sản phẩm tín dụng 4 nhà (ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp VLXD).

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm tồn kho cho lĩnh vực bất động sản. Những chính sách này bước đầu đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên thị trường vẫn gặp khó khăn.

Lý do trước hết là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng. Điều này đã làm cho các giao dịch kinh tế (mua bán VLXD; thi công công trình dở dang; nộp tiền mua nhà theo tiến độ; thanh toán tiền xây dựng và VLXD…) của thị trường bất động sản gặp khó.

Do vậy, để củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ngân hàng, sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà được thiết kế nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản và vật liệu xây dựng.

Tín dụng liên kết tạo ra 5 “yên tâm”

Trước hết, chương trình hướng tới việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang có nợ quá hạn có thể vay vốn, giúp dự án có đủ vốn để triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Đồng thời, sản phẩm này còn tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền; đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng. Việc liên kết còn củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, tạo ra 5 “yên tâm” trong xây dựng cơ bản: Tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng; chủ đầu tư yên tâm đầu tư; nhà thầu yên tâm thi công; nhà cung cấp yên tâm cung cấp vật liệu, thiết bị; người mua yên tâm góp vốn.

Ngoài ra sản phẩm tín dụng liên kết sẽ giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp, tiết kiệm nguồn vốn cho vay đối với công trình, dự án đầu tư. Đồng thời, nâng cao tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần chống tham nhũng, thất thoát lãng phí, tiêu cực.

Ông Mạnh cho rằng việc triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả, tạo niềm tin trên thị trường để thúc đẩy các giao dịch kinh tế trong hoạt động đầu tư - xây dựng - kinh doanh bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho VLXD và BĐS.

Phạm vi áp dụng của chương trình sản phẩm tín dụng 4 nhà mà NHNN đang nghiên cứu không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bất động sản mà áp dụng chung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, bao gồm cả một số dự án, công trình giao thông, năng lượng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế.

“Gói" 50.000 tỷ là tín dụng thương mại

Ông Nguyễn Viết Mạnh khẳng định việc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố chương trình tín dụng theo chuỗi liên kết 4 nhà phối hợp cùng các NHTM là một định hướng phát triển rất có ý nghĩa đối với việc hỗ trợ thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng.

Về bản chất, đây là chương trình tín dụng thông thường, không có ưu đãi lãi suất, nguồn vốn do ngân hàng thương mại tự huy động để cho vay, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ. Đây là dự kiến của VNCB, thể hiện quyết tâm của VNCB trong việc tiên phong cùng một số ngân hàng khác triển khai sản phẩm tín dụng 4 nhà.

Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các điều kiện tín dụng thông thường của khách hàng (như dự án, phương án SXKD phải khả thi, hiệu quả; khách hàng có khả năng trả nợ...); khả năng huy động vốn của ngân hàng và thỏa thuận của VNCB với các ngân hàng khác trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật liên quan đến toàn bộ quá trình liên kết. Không một tổ chức hay cá nhân nào có lợi thế độc quyền, cơ chế đấu thầu trong xây dựng cơ bản thực hiện theo quy định hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các NHTM thực hiện cho vay thông qua chuỗi liên kết 4 nhà cũng như nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm tín dụng mới hiệu quả, có độ an toàn cao nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giảm nợ xấu.

Theo Chinhphu.vn

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu