SearchNews

Bài toán cho doanh nghiệp bất động sản

31/07/2010 08:19

Thị trường bất động sản (BĐS) luôn là một trong những thị trường có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian qua, thị trường có những diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS phải có hướng đi chiến lược.

Thị trường bất động sản (BĐS) luôn là một trong những thị trường có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian qua, thị trường có những diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS phải có hướng đi chiến lược.

Nguyễn Đỗ Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long

Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long.

Thời gian vừa qua, giá đất ở Hà Nội tăng quá cao, Chính phủ đã có những biện pháp bình ổn thị trường bất động sản. Theo ông, những chính sách đưa ra đã đủ mạnh để bình ổn thị trường bất động sản?

Những chính sách đưa ra giúp bình ổn thị trường BĐS trong thời gian ngắn, có tính chất tạm thời. Còn giải pháp bình ổn thị trường BĐS về lâu dài phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu và sự phát triển các đô thị vệ tinh. Nếu nguồn cung đủ lớn để làm giảm sức căng của cầu thì thị trường sẽ đỡ hơn rất nhiều. Nếu như các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội cách thủ đô khoảng 20-30 km, phát triển nhanh, phát triển tốt thì người dân sẽ không bị áp lực di chuyển vào nội đô.

Bên cạnh đó, để bình ổn thị trường còn phụ thuộc vào chính sách đầu tư của các cơ quan chính quyền. Chẳng hạn, chúng ta cần có chính sách phát triển hạ tầng xã hội ở khu vực các đô thị vệ tinh. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, khi đó sẽ giảm đi áp lực trong nội đô. Điều này sẽ giúp bình ổn thị trường BĐS.

Bất động sản là lĩnh vực đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn trung, dài hạn, vững mạnh. Doanh nghiệp BĐS đang huy động nguồn vốn từ các nguồn khác nhau. Ông nhận xét như thế nào về các biện pháp huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS hiện nay?

Hiện nay, doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng nhiều cách: Vốn vay ngân hàng, vốn huy động từ người dân, vốn huy động các đối tác… Tùy vào từng doanh nghiệp BĐS, có thể tính toán huy động từ các nguồn vốn khác nhau. Đối với doanh nghiệp lớn, có thể huy động bằng các kênh mở như huy động bằng trái phiếu. Doanh nghiệp có nhiều đối tác, có thể huy động bằng các nguồn vốn của đối tác. Doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh tốt, có dự án tốt thì việc huy động vốn trong dân rất hiệu quả và thuận lợi.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang bắt đầu đầu tư thành lập quỹ tín thác đầu tư BĐS? Ông đánh giá như thế nào về cách tìm vốn cho thị trường BĐS thông qua các quỹ này?

Mô hình quỹ tín thác đầu tư BĐS đã được áp dụng thành công tại nhiều thị trường BĐS trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn rất mới lạ. Sau thời gian manh nha, ở VN bắt đầu xuất hiện hình thức này. Đây sẽ là tín hiệu tốt, một kênh mà doanh nghiệp BĐS có thể huy động thông qua.

Ông nhận định như thế nào về lượng cung trên thị trường hiện nay?

Tổng lượng cung trên thị trường BĐS hiện nay thiếu nhưng tùy thuộc vào lượng cung của từng phân khúc được cân đối so với cầu của phân khúc đó. Chẳng hạn, phân khúc nhà ở giá thấp hiện nay lượng cung thiếu nhưng phân khúc cao cấp hiện nay lượng cung lại thừa so với cầu.

Theo đánh giá của ông, trong thời gian ngắn hạn, liệu phân khúc đất nền vẫn còn căng thẳng?

Ở phân khúc đất nền, nguồn cung bị hạn chế. Trong thời gian ngắn hạn, số lượng đất nền hạn chế so với nhu cầu là rất lớn. Hơn nữa, do thói quen tiêu dùng và nét văn hóa của người dân ảnh hưởng tới tâm lý khi giao dịch. Đối với những khách hàng trẻ, họ thích ở chung cư, nhưng đối với những khách hàng có tiền, có khả năng chi trả, họ vẫn thích đất nền nhiều hơn. Chính vì vậy, nguồn cung đất nền hiếm và phân khúc này vẫn còn căng thẳng.

Giá thành nhà ở khu vực phía Bắc hiện nay vẫn còn quá cao. Vậy theo ông, các doanh nghiệp BĐS phải làm cách nào để giảm giá thành nhà ở khu vực này?

Giá thành phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Ở khu vực phía Bắc, nguồn cung hạn chế. Các doanh nghiệp phía Bắc cần phải tăng nguồn cung thì giá thành sẽ hạ xuống. Điều này cần có sự hỗ trợ rất lớn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

(Theo Tầm Nhìn)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu