Theo ông Mai, trong thời gian tới các doanh nghiệp Singapore chắc chắn sẽ tìm đến các cơ hội tốt trong thị trường BĐS VN và việc đầu tư của các doanh nghiệp Singapore sẽ tiếp tục vào thị trường VN.
Đó là khẳng định của ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Theo ông, trong thời gian tới các doanh nghiệp Singapore chắc chắn sẽ tìm đến các cơ hội tốt trong thị trường BĐS VN và việc đầu tư của các doanh nghiệp Singapore sẽ tiếp tục vào thị trường VN.
Ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư của Singapore vào Việt Nam trong những năm gần đây?
Trong những năm qua, hợp tác giưa Việt Nam và Singapore ngày càng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và mang lại hiệu quả to lớn. Có thể kể tên các con số ấn tượng như: tính đến 20/10/2011, Singapore đã trở thành quốc gia đứng thứ 3 (Sau Hàn Quốc và Đài Loan) có lũy kế vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, với 968 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 23,345 tỷ USD và có vốn điều lệ các doanh nghiệp đầu tư là 6,7 tỷ USD.
Tính riêng từ đầu năm 2011 đến 20/10/2011 thì Singapore là quốc gia thứ 2 có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam (sau Hong Kong), với 81 dự án cấp mới trên vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,55 tỷ USD.
Các lĩnh vực và ưu tiên chủ yếu của các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam là dầu khí, môi trường, dịch vụ, giải pháp CNTT và bất động sản - phát triển đô thị.
Điển hình các dự án trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị và công nghiệp dịch vụ có thể điểm đến như dự án VSIP hoạt động từ 1995, liên doanh giữa Tổng công ty đầu tư và phát triển - Becamex IDC Bình Dương và Tổng công ty khu công nghiệp Sembcorp (Singapore). VSIP đầu tư 04 dự án tại Bình Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng với tổng diện tích đất 4,845 ha. Dự án khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) tại thành phố Hải Phòng khởi công tháng 1 năm 2010. VSIP cũng đã mở rộng phạm vi đầu tư vào miền Trung, đầu tư vào nhà ở - công nghiệp - dịch vụ thương mại cũng như các ngành dịch vụ phức tạp như dự án để thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, các dự án phát triển của đô thị - dân cư.
Dự án do trung tâm Singapore Cruise quản lý và vận hành cảng Đà Nẵng sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ, cũng như các dự án nhà ở của CapitaLand, Keppel Land… tại Hà nội và TP.HCM.
Có thể thấy rõ sự quan tâm của DN Singapore đến lĩnh vực bất động sản khi xuất hiện nhiều đại gia bất động sản tại thị trường Việt Nam như CapitaLand, Keppel Land, Sembcorp, Mapletree... Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ đầu tư giữa hai quốc gia?
Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn Singapore đang đầu tư trong lĩnh vực BĐS nhà ở, phát triển đô thị, hạ tầng công nghiệp dịch vụ… như CapitaLand, Keppel Land, Sembcorp, Mapletree...đã đưa đến Việt Nam không chỉ là các dự án BĐS mà còn cả một văn hóa về đầu tư chuyên nghiệp, sản phẩm chất lượng cao về quy hoạch, kiến trúc, công năng sản phẩm, trong lĩnh vực nhà ở bao gồm cả văn hóa ở, văn hóa sử dụng nhà chất lượng cao, dịch vụ cao. Những sản phẩm chất lượng này còn đạt về các chuẩn mực về môi trường, về công trình xanh…đang là các mục tiêu phấn đấu của thị trường BĐS Việt Nam trong nhiều năm tới.
Thông qua các dự án đầu tư chuyên nghiệp đó, thị trường BĐS VN cũng được đào tạo và học hỏi nhiều, đặc biệt về các chuẩn mực cao trong phương pháp đầu tư, định hướng thị trường, quản lý dự án và sản phẩm chất lượng quốc tế.
Với sự thành công về đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Singapore những tổ chức đã đi đầu trong đầu tư BĐS, phát triển đô thị, hạ tầng công nghiệp dịch vụ…sẽ là các “đầu kéo”, thu hút các doanh nghiệp khác của Singapore vào Việt Nam trong lĩnh vực BĐS cũng như các lĩnh vực khác, và thời gian qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Singapore vào VN đã minh chứng cho điều đó với con số ấn tượng là 968 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 23,345 tỷ USD.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn có ảnh hưởng như thế nào đến quyết định đầu tư của các DN Singapore không thưa ông?
Trên thực tế, thị trường TP.HCM, phân khúc căn hộ để bán, giá bán thị trường thứ cấp đạt đỉnh trong vòng 5 năm qua tại quý I, II năm 2008 với cả loại bình dân, trung (dưới 1000usd/m2), cao cấp (2000usd/m2) và hạng sang (trên 3000usd/m2).
Đối với thị trường Hà nội, theo thống kê, diễn biến giá căn hộ để bán thị trường thứ cấp khác biệt so với tại TP.HCM. Từ 2009 đến đầu năm 2011, bất động sản đồng loạt tăng giá. Đối với loại bình dân (600usd/m2) giá tăng đến khoảng 40%, loại trung cấp (1000usd/m2) giá tăng đến 30%, hạng cao cấp (1500-2000usd/m2) tăng 20%, và cao cấp (>3000usd/m2), giá tăng 10%-15%. Từ đầu năm 2011 đến nay, giá BĐS có giảm nhưng theo thống kê này, chỉ giảm khoảng 5%-10% tùy phân khúc.
Chúng ta đề cập tới khả năng hấp thụ của thị trường. Theo thống kê, tại TP.HCM trong quý III/2011, khả năng hấp thụ của thị trường chung cư để bán chỉ khoảng 15% chủ yếu tập trung 70% là căn hộ bình dân. Tại Hà Nội, khả năng hấp thụ thị trường chung cư để bán khoảng 20-30%, và cũng tập trung phân khúc loại căn hộ bình dân.
Như vậy, vào thời điểm thị trường BĐS VN hiện nay, rất có thể các doanh nghiệp Singapore sẽ tìm đến các cơ hội tốt trong thị trường BĐS VN và việc đầu tư của các doanh nghiệp Singapore lại tiếp tục vào thị trường VN.
Diễn Đàn DN VIệt Nam - Singapore có sự góp mặt của rất nhiều đại gia bất động sản hai nước. Hiệp hội BĐS VN sẽ đóng góp gì cho sự thành công của diễn đàn?
Trên vai trò Tổng thư ký Hiệp hội BĐS VN, tại diễn đàn này, chúng tôi có thể cung cấp cho các doanh nghiệp Singapore một đánh giá, báo cáo tổng quan về thị trường BĐS VN, các thống kê đánh gia thị trường ở các phân khúc thị trường khác nhau để từ đó các doanh nghiệp Singapore có thể phân tích thị trường BĐS chính xác, dự báo cho các thời gian tới.
HH BĐS VN có nhiều Hiệp hội thành viên tại các tỉnh thành lớn tại Việt Nam, các các điểm kết nối với các doanh nghiệp, các cơ quan chính quyền từ TƯ đến địa phương trên cả nước, có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích về thị trường, các thông tin về kinh tế xã hội địa phương sát thực nhất.
Không chỉ có việc hỗ trợ và phối hợp các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, mà HH BĐS VN tiếp tục thực hiện các công tác xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore trong thời gian tới. Diễn đàn này cũng là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp để rồi từ đó các doanh nghiệp VN sẽ kết nối sang Singapore để tìm các cơ hội hợp tác, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS và tài chính BĐS.
Đặc biệt, hiện nay, các mô hình mới về tài chính BĐS phi ngân hàng, cho thị trường BĐS đang được kiến nghị đề xuất với Chính phủ. Trong đó có mô hình quỹ tín thác đầu tư BĐS, một mô hình nhắm đến thị phần BĐS cho thuê đã hình thành.
(Theo Muabannhadat)