Simon Cheong, người sáng lập SC Global, đơn vị phát triển bất động sản siêu sang.
Với đôi mắt kính gọng đen, trang phục rất phong cách và một niềm đam mê đối với nghệ thuật của danh họa người Mỹ Andy Warhol, Simon Cheong (53 tuổi) trông giống một kiến trúc sư hơn là một nhà phát triển bất động sản.
Công việc đầu tiên Cheong làm sau khi lấy bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Trường Đại học George Washington (Mỹ) là trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (năm 1983). Không lâu sau đó, ông trở thành người đứng đầu bộ phận tài chính bất động sản của Citibank tại Singapore. Tiếp đó, ông điều hành bộ phận bất động sản châu Á của ngân hàng Credit Suisse First Boston. Tại đây, ông đã ký được những hợp đồng môi giới bất động sản rất lớn. Đáng chú ý nhất là vụ mua lại Plaza Hotel tại New York vào năm 1995 với giá 325 triệu USD.
Năm 1996, Cheong quyết định ra riêng với việc thành lập SC Global và ông đã ký được những hợp đồng còn lớn hơn thế. Đặc biệt là vụ mua lại tòa nhà Paragon với giá 480 triệu USD. Đây là tòa nhà cao ốc văn phòng và bán lẻ được săn lùng tại khu mua sắm nổi tiếng Orchard Road của Singapore và cũng là vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia này. Cheong đã kiếm được khoản phí kếch xù từ thương vụ này và được báo chí Singapore dành cho danh hiệu “nhà môi giới siêu hạng”.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997, ông đã đi vòng quanh thế giới nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư. “Chúng tôi đã nghiên cứu các thị trường châu Á từ Hàn Quốc đến Thái Lan để xem thị trường nào sẽ mang lại cơ hội đầu tư dài hạn nhất cho Tập đoàn”, Cheong nói. Cuối cùng, ông quyết định quay trở về Singapore. Tại đây, ông đã tìm thấy một thị trường ngách vẫn còn bỏ ngỏ. “Không ai chú ý đến phân khúc bất động sản siêu cao cấp”, ông nói. Và SC Global đã nhảy vào thị trường này.
Việc chọn điểm rơi của ông là rất đúng lúc. Khi ấy, với nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại và mức thuế suất thấp, Singapore đã bắt đầu thu hút những người nước ngoài giàu có trong khu vực và từ những quốc gia khác. Theo ông Jimmy Koh, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn tài chính UOB Group, nhóm khách hàng người nước ngoài chỉ chiếm 25% thị trường, nhưng lại chiếm đến hơn 50% số người mua bất động sản có giá hơn 5 triệu USD/căn.
Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài vào Singapore đang ngày càng tăng. Số người định cư dài hạn tại Singapore trong thập kỷ qua đã tăng 52% đạt 533.000 người tính đến cuối năm ngoái. Sau hơn 10 năm, SC Global đã trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Singapore. Năm 2009, trong khi nhiều đơn vị bất động sản thua lỗ thậm chí phá sản do suy thoái kinh tế toàn cầu, SC Global vẫn đạt được mức doanh thu 575 triệu USD và lãi ròng 40 triệu USD.
Lối chơi riêng của Cheong
Đầu năm 1999, Cheong đã bắt đầu tìm mua đất ở các khu vực sang trọng của Singapore. Cùng năm đó, ông đưa SC Global lên sàn qua con đường niêm yết cửa sau (tức lên sàn bằng cách mua lại một công ty đã niêm yết). The Ladyhill, dự án đầu tiên của SC Global, đã được khởi công xây dựng vào năm 2000 khi thị trường bất động sản Singapore đang có dấu hiệu hạ nhiệt và giá bắt đầu giảm xuống.
Tọa lạc tại một trong những khu sang trọng bậc nhất Singapore, Ladyhill là dự án xây dựng nhà ở tốn kém nhất tại Singapore lúc bấy giờ. Chi phí xây dựng của Ladyhill lên tới 230 USD mỗi foot vuông (1 foot vuông = 0,093 m2), cao hơn gấp đôi chi phí xây dựng trung bình của một dự án tương tự. Đây là một con số mà nhiều chủ đầu tư muốn giấu đi nhưng Cheong lại rất tự hào ghi vào các báo cáo hằng năm của SC Global. Vì đối với ông, đó là cách thể hiện cho khách hàng thấy đẳng cấp của dự án.
Trong 10 năm qua, ông đã xây dựng thương hiệu siêu sang bằng cách gắn liền thương hiệu với tên tuổi của các nhà thiết kế nổi tiếng và luôn trưng bày hàng tại các phòng trưng bày sang trọng nhất Singapore. Kể từ năm 2008, SC Global đã tài trợ cho giải đua xe nổi tiếng Porsche SC Global Carrera Cup (diễn ra trước cuộc đua Formula 1 của Singapore).
Đối với một dự án bất động sản, vị trí là yếu tố cực kỳ quan trọng. Seven Palms, khu căn hộ siêu sang được triển khai gần đây nhất của SC Global, tọa lạc tại khu Sentosa Cove, nhìn ra biển Đông và nằm kế bên một sân golf cao cấp. “Đây là một vị trí độc đáo mang tính chiến lược, là mảnh đất duy nhất tại Sentosa Cove có mặt giáp biển”, Brandon Lee, chuyên gia phân tích tại công ty môi giới DMG & Partners Securities, nhận định. Và đó là lý do Cheong đã trả giá rất cao để mua vị trí này vào năm 2007.
Seven Palms là dự án được săn lùng và mức giá ở đây cũng đang tăng cao kỷ lục. Vào tháng 10.2009, trước khi dự án được khởi công xây dựng, nhiều người đã sẵn sàng trả tới 2.400 USD/foot vuông để mua một căn hộ tại đây trong khi đến năm 2013, dự án mới hoàn thành. Đó là mức giá cao nhất từ trước đến nay đối với một căn hộ siêu cao cấp trên hòn đảo Sentosa.
SC Global đang dẫn đầu sự bứt phá trở lại của thị trường bất động sản Singapore. Giá nhà đất trung bình tại Singapore đã giảm khoảng 30% từ quý II/2008 đến quý II/2009 nhưng sau đó đã tăng trở lại. Tháng 7.2010, giá nhà ở trung bình đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Phân khúc bất động sản cao cấp, dù vẫn còn thấp so với mức đỉnh năm 2008 khoảng 8%, nhưng giới chuyên gia dự kiến, sẽ đạt đỉnh của năm 2008 trong vòng 6 tháng tới.
Cheong cho rằng, giá căn hộ của SC Global sẽ có thể cao hơn giá thị trường ít nhất 20% vì cái mà ông bán không chỉ là món hàng mà là một thương hiệu. Tại Seven Palms, người mua sẽ thấy những căn hộ có không gian hoàn toàn mở, màu sắc rất dịu và chủ yếu là dùng ánh sáng tự nhiên (căn hộ cỡ trung có diện tích khoảng 325 m2).
Cheong có chiến thuật khác hẳn các nhà phát triển bất động sản khác. Ông luôn muốn thu về một mức lợi nhuận “đẳng cấp” từ các dự án của mình bằng cách chỉ bán ra một số suất nhất định. “Chúng tôi thường tung ra một dự án mới vào một thời điểm nhất định. Khi thị trường đi xuống, chúng tôi tiến hành xây dựng dự án và khi thị trường khởi sắc, chúng tôi chỉ tung ra một số lượng hàng có giới hạn”, ông nói. Điều này dù đẩy cao giá bán (do tạo ra sự khan hiếm đối với sản phẩm) nhưng có thể dẫn đến rủi ro về thời điểm tung hàng. Cheong cho biết, ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro này.
(Theo Forbes)