SearchNews

Doanh nghiệp bất động sản “bẻ lái”

31/05/2012 09:19

Khó khăn trong lĩnh vực hoạt động chính, nhiều doanh nghiệp bất động sản "bẻ lái" sang lĩnh vực khác.

Khó khăn trong lĩnh vực hoạt động chính, nhiều doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) "bẻ lái" sang lĩnh vực khác.

ĐHCĐ CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) vừa thông qua chủ trương bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới. Đây là trường hợp mới nhất trong trào lưu DN BĐS thực hiện đa ngành và lý do về xu hướng chuyển dịch đã được giải mã.

PPI “bẻ lái”

Những cái tên của DN thường thể hiện các mảng hoạt động kinh doanh, nhưng sắp tới, bên cạnh hai mảng hoạt động là xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh doanh BĐS, PPI sẽ kinh doanh thêm nhiều ngành nghề mới, không thể nhận biết từ tên gọi. Đó là lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản.

doanh nghiệp bất động sản

Băn khoăn chung của nhiều cổ đông có mặt tại đại hội là vì sao khi các DN nội địa đang phải co cụm phòng thủ thì PPI lại chấp nhận mạo hiểm chuyển dịch sang lĩnh vực kinh doanh mới? Trước thắc mắc này, HĐQT PPI cho biết, lĩnh vực kinh doanh BĐS luôn cần vốn lớn, nhưng ngân hàng đang thắt chặt tín dụng. Hơn nữa, thị trường BĐS đang ế ẩm, ngay cả khi có sản phẩm hoàn thiện cũng khó khăn trong tiêu thụ, nên hiệu quả kinh doanh của các DN BĐS ở tương lai gần dự báo sẽ không cao. Tương tự, lĩnh vực xây dựng hạ tầng không thể khởi sắc do hiện nay Chính phủ thắt chặt đầu tư công, giảm hạn mức đầu tư các dự án mới, nên hoạt động kinh doanh truyền thống của PPI bị tác động, ảnh hưởng nặng nề.

Trình bày về các mảng kinh doanh mới, ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT PPI tiết lộ, Công ty sẽ thu mua sắn củ và khoai mì. Đây là mặt hàng đang được phía Trung Quốc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và qua nghiên cứu sơ bộ, tỷ suất lợi nhuận khá cao. Về nguyên tắc, Công ty chỉ tham gia ký hợp đồng khi thấy giá mua cộng với các chi phí liên quan thấp hơn giá bán nên hầu như không có rủi ro.

Ngoài ra, hiện nay, 80% cao su tự nhiên Việt Nam là kinh doanh tiểu điền, việc xuất khẩu qua Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện chủ yếu dưới dạng mủ khối. PPI nhận thấy nhu cầu với dòng sản phẩm mủ rời khá lớn nên Công ty dự định hướng tới kinh doanh trong phân khúc này.

Về dự định kinh doanh thủy sản, ông Tấn đánh giá cơ hội là rất tiềm năng, do điều kiện thủy văn và thổ nhưỡng Việt Nam thuận lợi. Ngay cả trong trường hợp chưa tham gia sản xuất trực tiếp, thì với mảng kinh doanh lõi là BĐS, PPI có thuận lợi trong việc phát triển các vùng nuôi. Theo tính toán của PPI, tại một số khu vực, Công ty có thể thuê đất dài hạn 50 năm và chuyển thành ao nuôi với chi phí khoảng 200 triệu đồng/héc-ta. Trường hợp cho thuê lại, PPI có thể thu hồi vốn trong vòng 3 năm!

doanh nghiệp bất động sản

Để tăng tính thuyết phục về việc “bẻ lái”, ông Tấn phân tích, sự chuyển hướng kinh doanh của PPI có nhiều cái lợi. Thứ nhất, lĩnh vực nông lâm thủy sản được hưởng lãi suất ưu đãi khoảng 6,5%/năm. Nếu trung thành bám hai mảng kinh doanh hiện nay với cơ cấu nợ của PPI lên tới hơn 300 tỷ đồng thì ngay cả khi lãi suất giảm thêm, hoạt động kinh doanh chung cũng khó có thể khởi sắc. Thứ hai, tham gia xuất khẩu, PPI sẽ mang về ngoại tệ và mảng kinh doanh mới tạo ra dòng tiền mặt liên tục bổ trợ cho hoạt động kinh doanh truyền thống vốn có vòng quay chậm, thời gian thu hồi vốn dài, gặp nhiều rủi ro.

Thận trọng với trào lưu mới

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, một loạt DN BĐS khác cũng xin ý kiến cổ đông được đa dạng hóa ngành nghề. Đáng chú ý là hoạt động kinh doanh tập trung mở rộng sang lĩnh vực nông lâm, thủy sản. Chẳng hạn, ĐHCĐ CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt cuối tháng 4 thống nhất bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới, từ trồng rừng đến chăn nuôi gia cầm. Gây chú ý gần đây là việc CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) ra nghị quyết góp 500 tỷ đồng vốn đầu tư với CTCP Thủy sản Bình An để sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thủy sản. Con số 500 tỷ đồng nêu trên vượt xa khả năng của NTB nếu nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2012. 

Dù chỉ trong phạm vi nội bộ một DN BĐS, nhưng giải thích của lãnh đạo PPI nêu trên phần nào hé lộ động cơ thực của trào lưu BĐS “bẻ lái” sang nông nghiệp, thủy sản hiện nay. Đứng trên góc độ DN, khi các mảng kinh doanh lõi gặp khó khăn, bế tắc, việc tìm và phát triển sang một lĩnh vực kinh doanh mới được xem là bình thường trước áp lực cổ đông về lợi nhuận và cổ tức. Tuy nhiên, các lĩnh vực mới không phải không tiềm ẩn các thách thức. Bên lề đại hội PPI, một thành viên HĐQT độc lập chia sẻ nhận xét với PV, PPI đang khan hiếm tiền mặt nên tham gia hoạt động xuất khẩu khá chênh vênh. Các mảng kinh doanh hứa hẹn đem lại doanh thu ngay trước mắt thường có hàng rào gia nhập thấp, tiềm ẩn rủi ro.

Theo nguyên lý kinh tế, thông thường, khi DN đã phát triển đến một quy mô nhất định sẽ luôn muốn vươn tới những lĩnh vực mới, nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh lõi. Việc kinh doanh đa ngành được coi là chìa khóa giúp DN thiết lập nhiều quan hệ kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro. Điều này khác với xu hướng đầu tư tràn lan hay các giải pháp mang tính tình thế. Việc thiếu am hiểu thị trường, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu sự chuẩn bị kỹ càng trong các mảng kinh doanh mới sẽ dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí rủi ro kéo lùi các mảng hoạt động hiện hữu. Các hoạt động ngắn hạn sẽ chỉ trở nên hữu hiệu nhất nếu đó là một phần của chiến lược dài hạn.


Bài đọc nhiều:

Chuyện dòng tiền Hoàng Anh Gia Lai

> Sông Đà đại hạ giá căn hộ để thu hồi vốn

> Indochina Land nhận 5 giải thưởng Châu Á Thái Bình Dương

> Doanh nghiệp bất động sản tự cứu

> Ngân hàng Xây dựng: Có cần lúc này?

> Những doanh nghiệp bất động sản “ngồi trên đống tiền”

(Theo ĐTCK)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu