SearchNews

Doanh nghiệp thép trong nước lại... “cầu cứu”

27/12/2010 20:19

Từ ngày 31/12, việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép để bảo vệ ngành Thép trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực.

Từ ngày 31/12, việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép để bảo vệ ngành Thép trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực.

Đây được coi là “cơ hội vàng” cho các sản phẩm thép nhập khẩu tràn vào Việt Nam. Song lại là “nỗi lo lắng” của các DN thép trong nước.

Những năm trước, mỗi khi thép ngoại được nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao thì lập tức các DN thép trong nước lại “cầu cứu” Chính phủ, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) để được can thiệp, khi thì tăng thuế nhập khẩu, lúc lại giảm thuế nhập khẩu phôi thép... để có thể chống chọi với thép ngoại.

Nhưng theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, năm 2010, lượng thép từ các nước ASEAN và Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được giảm thuế ít nhất 1% với mỗi mặt hàng nên lượng thép nhập khẩu ngày càng tăng. Tình trạng này đang gây bất lợi đối với các DN thép trong nước khi chưa chủ động được nguồn phôi, giá thành sản xuất thép lại thường cao hơn giá thép ngoại từ 500 - 700 nghìn đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch VSA, năng lực sản xuất thép trong nước đang vượt gần gấp đôi nhu cầu dù mới sử dụng khoảng 70% công suất thiết kế (chưa kể những dự án đang xây dựng). Như trong năm 2010, dự kiến các DN sản xuất thép trong nước đạt khoảng 8 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 5,6 triệu tấn. Như vậy, các DN thép trong nước sẽ phải vừa phải đối mặt với tình trạng dư thừa thép, vừa phải chia sẻ thị trường với thép ngoại. Trong khi đó, việc xuất khẩu thép trong nước đang gặp khó khăn rất lớn do các nước trong khu vực đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thép.

VSA cho biết, theo kiến nghị của Hiệp hội để bảo vệ các DN trong nước, ngày 25/5/2010 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2010/TT-BCT (Thông tư 22) về việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép như: Thép xây dựng, thép cuộn cán nguội là những sản phẩm trong nước đã thừa công suất so với nhu cầu. Ngoài ra, các sản phẩm: Sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, chiều rộng 600mm trở lên, cán nguội, chưa dát phủ, mạ hoặc tráng; sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que... sẽ phải thực hiện giấy phép nhập khẩu tự động để các bộ ngành có thể thống kê chính xác về số lượng, chủng loại nhập khẩu.

Ngày 27/7/2010, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Thông tư số 31/2010/TT-BCT nhằm bổ sung mặt hàng áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động được quy định tại Thông tư 22 đối với một số sản phẩm thép như: Ống thép, thép mạ kim loại và sơn phủ màu... Tuy nhiên, dường như sự ra đời của 2 thông tư trên vẫn chưa phát huy hiệu quả. Vì thực tế cho thấy, lượng thép nhập khẩu năm nay không giảm mà còn tăng so với năm 2009, đạt trung bình 45 nghìn tấn/tháng.

Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu thép đã lên tới 249 triệu USD. Vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu VSA tổ chức lấy ý kiến về việc có nên tiếp tục áp dụng 2 Thông tư này trong năm 2011 để kiểm soát nhập khẩu và bảo hộ một số mặt hàng thép trong nước hay không. Tuy nhiên, theo kiến nghị của VSA thì Bộ Công Thương cần tiếp tục áp dụng việc cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; đồng thời tăng cường, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn, kể cả mặt hàng thép dây, cán nóng không hợp kim dạng cuộn cuốn không đều có mã HS 7213 (sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng). VSA cho biết, việc này sẽ không chỉ giảm bớt khó khăn cho DN sản xuất thép trong nước mà còn giảm nhập siêu theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những chính sách đưa ra chỉ như một giải pháp tình thế, giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho ngành Thép trong nước. Để phát triển bền vững, ngành Thép cần phải sớm chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm sự chênh lệch về giá thành so với các sản phẩm thép nhập ngoại, và tăng cường xuất khẩu.

(Theo Xây dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu