Ra kinh doanh, Hồng Anh không thấy bỡ ngỡ lắm, bởi từ nhỏ anh đã theo ba đến sân bóng và bán thuốc đông y, đó là nghề của ông nội với những bài thuốc gia truyền chữa bệnh nội khoa, xương khớp. Khi lớn hơn, Anh có ước mơ rất giản dị là sẽ thành "ông mật rỉ, sản xuất đường cát" theo nghiệp mẹ.
Anh kể: "Việc mở quán bánh canh cá là ý của ba, mục đích ba muốn tôi biết kiếm tiền khó như thế nào và thật sự bản thân tôi cũng muốn trải nghiệm cảm giác kiếm tiền như thế nào. Cũng làm chủ với 3, 4 nhân viên, cũng bưng bê từ lọ nước mắm đến đĩa chanh, ớt, một tô bánh canh có mấy ngàn đồng, nhưng mình phải đích thân làm".
Để lại hàng quán ổn định sau một năm thì anh chuyển sang phụ người cô đang kinh doanh ngành sắt cuộn. Chưa hết, sau này, anh còn quản lý đội xe cho mẹ, mở cửa hàng cây kiểng...
Có lẽ những vốn liếng thương trường như thế đã đưa anh đến chiếc ghế Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT Sacomreal một cách thuyết phục.
* Đến thời điểm này, anh là doanh nhân trẻ nhất Việt Nam đạt các giải thưởng uy tín của trung ương và địa phương như: hai lần đạt danh hiệu Doanh nhân trẻ xuất sắc thành phố, bốn năm liền đạt danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu, giải Sao đỏ, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu... Với những người trẻ xông xáo, giải thưởng hay danh hiệu có phải là cái gì đó có ý nghĩa thực sự không, thưa anh?
- Bản thân tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện lắm, vì danh hiệu này là sự khẳng định những gì tôi đã suy nghĩ về giá trị của thế hệ 8X, thế hệ lớn lên sau chiến tranh, được kế thừa và nhiều kỳ vọng trong giai đoạn xây dựng đất nước.
Tôi thấy rằng, thế hệ sinh sau chiến tranh như tôi sẽ khẳng định mình thông qua việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp để mỗi năm đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.
Những thành quả, những giải thưởng giúp tôi tự tin cho suy nghĩ này. Đối với Sacomreal, rất nhiều cộng sự trẻ tuổi như tôi đã cùng nhau đem lại thành công cho Sacomreal và cũng là cách khẳng định mình.
* Quyết định rời bỏ thể thao chuyên nghiệp trong khi còn rất trẻ và đang ở đỉnh cao sự nghiệp có để lại tiếc nuối cho anh? Nếu thời gian quay lại, anh có thay đổi không?
- Tôi đã rất buồn và cảm thấy hụt hẫng một thời gian dài khi quyết định rời bỏ niềm đam mê lớn là môn tennis sau hơn 10 năm gắn bó. Đang ở tuổi đôi mươi và có suất dự SEA Games 20, nhưng bị gạt ra để nhường cho người khác với lý do chấn thương.
Trong khi đó, họ lại đưa tôi đi dự giải Trẻ thế giới, đấu trường khó khăn hơn nhưng không bằng về hình thức tổ chức lẫn quy mô. Bức xúc nên tôi quyết định rời khỏi sân chơi.
Gia đình không can thiệp vào chuyện này, nhưng tôi biết việc gợi ý kinh doanh là cách làm cho tôi vơi đi bức xúc của tuổi trẻ và hướng tôi đến việc tạo lập cuộc sống căn cơ hơn.
Tôi không nghĩ là doanh nhân hay trở thành vận động viên tennis có sự khác biệt rạch ròi. Đều là sự khẳng định giá trị và khả năng của bản thân, hướng đến mục đích là thành công.
Chỉ có điều, không như trước đây, mọi quyết định của tôi hiện nay không chỉ liên quan đến cá nhân mà là gắn kết với tên tuổi, thương hiệu và cuộc sống của hơn 400 cán bộ, công nhân viên Sacomreal. Vì vậy, tôi đã phải cẩn trọng hơn nhiều, mọi quyết định không bột phát cá nhân như trước nữa.
* Từ khi bước vào thương trường đến nay, quyết định nào đối với anh là quan trọng nhất?
- Đó là khi ba tôi hỏi trong một bữa cơm gia đình: "Con có đủ sức vận hành Sacomreal không?". Thật sự là trước đó, tôi chưa hình dung được là sẽ bước vào lĩnh vực bất động sản.
Mẹ thì kinh doanh đường, ba làm ngân hàng, tôi vốn thường xuyên theo ba mẹ nên cũng có chút nghĩ ngợi về nghề nghiệp tương lai và thiên về định hướng của ba hơn. Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi nhận lời. Tôi hiểu ba tôi, hỏi tức là gợi ý và muốn tôi đi vào hướng phát triển này.
Tôi muốn thử, muốn trải nghiệm ở một lĩnh vực mới. Áp lực mà tôi phải đối diện trong quyết định quan trọng này là tôi chỉ quen với việc làm ăn có số vốn 1 hoặc 2 tỷ đồng, còn đây là quản lý một doanh nghiệp có nhân sự đông hơn, chuyên nghiệp hơn, yêu cầu quản lý... cũng khác hẳn. Đặc biệt, tôi phải tạo ra được lợi nhuận trên số vốn lớn gấp hàng chục lần trước đây.
Vấn đề ở đây không chỉ là hiệu quả kinh doanh mà còn gắn với uy tín của cá nhân tôi và uy tín của cả gia đình nữa, không thành công chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay đến ba tôi và thương hiệu Sacombank.
* Đó có lẽ là một áp lực lớn, nhưng dường như tôi thấy anh đi qua áp lực khá nhẹ nhàng. Những quyết định mạnh dạn như đầu tư sàn giao dịch bất động sản 24 giờ, giao dịch trực tiếp qua màn hình cảm ứng, xây nhà trả góp trọn gói hay hỗ trợ mua nhà trả góp 20 năm... đã giúp Sacomreal thay đổi diện mạo nhanh chóng.
- Tôi bắt đầu bằng những vấn đề rất nhỏ như đẩy nhanh thực hiện quy trình pháp lý. Không đợi người ta đến tìm mà tôi chủ động đi làm môi giới bất động sản, tìm kiếm các hoạt động kinh doanh để có nguồn thu. Làm rồi mới thấy môi giới chỉ là một mảng nhỏ của nghề và chỉ thu được những khoản phí rất ít, từ 1 - 2% mà thôi.
Từ đó tôi suy nghĩ, biết được khách hàng và có nơi bán thì tại sao mình không làm, không chủ động kiếm nguồn cung ứng và khách hàng cho riêng mình, từ đó dẫn đến việc Sacomreal mua sỉ bán lẻ và cũng chủ động trong việc tìm kiếm quỹ đất dành cho các dự án bất động sản mang thương hiệu Sacomreal.
Cũng qua nghiên cứu, tôi thấy ở nước ngoài, ngân hàng sẵn sàng cho vay mua nhà vài mươi năm tùy độ tuổi và nghề nghiệp. Ở Việt Nam lúc đó cho vay nhiều lắm là 5 - 7 năm là hết rồi.
Nước ngoài thực hiện cho vay vì luật lệ rõ ràng, bảo đảm quyền lợi cho ngân hàng. Người mua không thanh toán được thì bị trục xuất khỏi nhà, không thực hiện thì cắt an sinh xã hội. Còn đối với Việt Nam, thủ tục kéo dài dẫn đến kẹt vốn ngân hàng nên họ rất ngại cho vay dài hạn.
Lúc đó, Sacomreal trình bày với ngân hàng, việc cho vay dài hạn cũng không phải là rủi ro nếu có công ty bất động sản đứng ra chịu trách nhiệm. Nếu khách hàng không có khả năng trả nợ thì công ty bất động sản thay mặt giải quyết. Do đó, từ năm 2005, Sacombank là ngân hàng đầu tiên đứng bảo lãnh cho người mua nhà vay dài hạn đến 20 năm.
* Người ta nói không phải lúc nào các doanh nghiệp cũng có “cơ hội” để đối đầu với những khó khăn kinh tế như hiện nay. Với những quản lý trẻ như anh, đây có phải là một cú sốc?
- Đối với doanh nghiệp bất động sản, nguồn vốn để phát triển dự án là bài toán nan giải nhất trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua. Thực sự rất nan giải đấy! Trong hai năm 2008 - 2009, khi thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đi xuống và gần như rơi vào tình trạng đóng băng, hầu hết các doanh nghiệp không thể huy động vốn để phát triển dự án.
Thế nhưng, từ khi còn là ông chủ quán bánh canh, tôi đã nghĩ rằng, khó khăn nào cũng có cách giải quyết. Sacomreal đã nghiên cứu nhiều phương thức kinh doanh mới, trong đó hình thức huy động vốn bằng trái phiếu đã được đưa ra thị trường.
Ở thời điểm 2008, đây là loại hình huy động vốn mới và chưa được áp dụng trên thị trường. Tuy nhiên, với uy tín thương hiệu Sacomreal và những lợi thế về lãi suất, quyền mua căn hộ và các quyền lợi cộng thêm khác dành cho khách hàng mua trái phiếu, chỉ trong ba ngày Sacomreal đã huy động được 850 tỷ đồng để phát triển dự án Phú Lợi 1 và dự án Belleza. Chúng tôi đã đi qua khó khăn như thế đấy!
* Đó là bản lĩnh doanh nghiệp hay những tính toán có tính thuần kỹ thuật phân tích?
- Trong khó khăn, nếu tỉnh táo chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội và đó sẽ là điều kiện tốt để phát triển. Đối với Sacomreal, bên cạnh việc phát hành trái phiếu dự án thì việc liên kết, hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để cùng phát triển dự án chuyên nghiệp là hướng đi có hiệu quả.
Việc hợp tác này, không chỉ giúp Sacomreal huy động được vốn phát triển dự án đúng tiến độ mà còn tạo ra diện mạo mới cho các dự án bất động sản. Đơn cử, việc Sacomreal hợp tác với Tập đoàn Gamuda Behard (Malaysia) để cùng phát triển dự án Celadon City với quy mô hơn 82ha, tổng vốn đầu tư lên đến 24.758 tỷ đồng là minh chứng.
Gamuda với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực đầu tư - phát triển các khu đô thị, cơ sở hạ tầng, giao thông tại Malaysia, Ấn Độ, Singapore... cùng với Sacomreal là doanh nghiệp có thị phần lớn và uy tín tại Việt Nam sẽ là một sự cộng hưởng tốt để cùng phát triển dự án Celadon City trở thành dự án kiểu mẫu.
Khi nền kinh tế suy thoái, sức mua cũng giảm đáng kể, vì vậy để phù hợp với thị trường chúng tôi rút ra bài học kinh doanh hài hòa theo cả hai hướng "Bán cái mọi người cần” và “Bán cái mình đang có”.
Với những cái đang có, chúng tôi phải nghiên cứu, trau chuốt cho nó phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Còn đối với cái mọi người cần, thì đó là định hướng để chúng tôi đáp ứng nhu cầu, để từ đó có thể phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.
Xem tiếp trang 2