SearchNews

Hiệp hội bất động sản Cần Thơ: Chung tay vượt qua khó khăn

02/10/2011 10:50

Ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Cần Thơ, đã đề xuất một số giải pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn này.

Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo bàn về những vướng mắc, khó khăn về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các vấn đề liên quan trong hoạt động đầu tư xây dựng dự án BĐS tại TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Cần Thơ, đã đề xuất một số giải pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn này.

Đầu năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP nhằm kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội... Những nỗ lực của Chính phủ và nhiệt tình hưởng ứng của cộng đồng các doanh nghiệp về cơ bản nền kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiềm chế, nhưng nguy cơ lạm phát cao vẫn còn đe dọa nền kinh tế. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ đã đưa BĐS lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn: Giá đầu vào tăng, giá nguyên vật liệu (xi măng, sắt thép, xăng dầu, điện, nhân công...) tăng 20 - 30%, lãi vay quá cao có lúc 20% - 25%, hầu hết các doanh nghiệp BĐS không tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng hoặc nguồn vốn ưu đãi. Khách hàng (người tiêu dùng) cũng không tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng để mua nhà, đất...

Mặt khác, Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN (ngày 1-3-2011), triển khai tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP yêu cầu các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát tín dụng, trong đó tập trung giảm dư nợ phi sản xuất xuống dưới 22% (trước ngày 30-6-2011 và đến ngày 31-12-2011 là 16%). Điều này dẫn đến giao dịch mua bán sụt giảm, đầu tư chậm lại, cá biệt có những doanh nghiệp không bán được hàng, bị mất khả năng cân đối tài chính và tính thanh khoản, từ đó rất khó trong việc trả lãi vay và các khoản nợ tín dụng dẫn đến thiếu vốn đầu tư dự án, công trình bị dở dang...

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tại địa bàn TP Cần Thơ đang gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng dự án như: Giá bồi thường thay đổi liên tục gây ảnh hưởng lớn đến công tác GPMB; doanh nghiệp khó khăn trong dịp tiếp cận vốn đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi cho các dự án tái định cư, khu dân cư bình dân. Các dự án xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP chưa có các chính sách quy định cụ thể và chi tiết rất khó triển khai đầu tư đặc biệt là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Các vướng mắc liên quan thủ tục hành chính về đầu tư dự án bất động sản còn phức tạp, chưa có quy trình thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền, thời gian kéo dài như: bồi thường GPMB; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nghiệm thu công trình; nộp tiền sử dụng đất... nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến chi phí tăng cao.

Trong tình hình khó khăn trên, các doanh nghiệp BĐS phải tái cấu trúc doanh nghiệp, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, đình hoãn hoặc giãn tiến độ triển khai một số công trình, dự án, tinh giản bộ máy và thực hiện nhiều biện pháp như giảm giá bán hàng, tăng tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay cho người mua, có nhiều phương thức khuyến mãi để bán được hàng... Nguy cơ chuyển nhượng dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp tiềm ẩn có thể xảy ra nếu cơ chế tín dụng không được nới lỏng. Vào thời điểm này, lợi thế thị trường bất động sản đang thuộc về người mua có nguồn lực tài chính, thể hiện ở hai điểm: Một là người mua có quyền lựa chọn sản phẩm rất rộng và đa dạng; hai là giá cả và phương thức thanh toán rất hợp lý. Lợi thế này cũng thuộc về doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh để mua lại dự án và chuẩn bị quỹ đất đầu tư trong tương lai. Đồng thời xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sàng lọc doanh nghiệp yếu tạo điều kiện hình thành các công ty quy mô lớn, thực sự gắn kết với nhau bằng lợi thế kinh tế.

Ngoài ra, do sức mua giảm mạnh và tâm lý chờ đợi, kỳ vọng thị trường BĐS tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa. Bên cạnh, doanh nghiệp BĐS đang đứng trước áp lực trả lãi vay, đáo hạn nợ vay và nhu cầu cần vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn tất dự án công trình đưa vào khai thác... Theo dự báo của Hiệp hội BĐS Cần Thơ, tình hình thị trường BĐS đến hết năm 2011, nếu chính sách tiền tệ không được nới lỏng, tình hình thị trường BĐS “đóng băng” sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng, có thể dẫn đến tình trạng giải thể, phá sản một số doanh nghiệp...

Từ những khó khăn trên, kiến nghị địa phương, các bộ ngành Trung ương và Chính phủ cần điều chỉnh không xếp ngành BĐS vào nhóm dịch vụ phi sản xuất, mà xếp vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện như Luật doanh nghiệp đã xác định. Bởi thực tế, ngành BĐS góp phần tạo ra hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu thương mại, văn phòng, khu nhà ở các loại (cao cấp, trung bình, giá thấp phục vụ an sinh xã hội), khu đô thị, sử dụng nhiều nguyên vật liệu (xi măng, sắt, thép, xăng dầu, điện, vật liệu xây dựng, trang thiết bị...), sử dụng lao động tạo việc làm cho nhiều ngành khác. Đồng thời, cần có sự phân biệt giữa doanh nghiệp BĐS và dự án BĐS để cung cấp tín dụng, đặc biệt là các dự án làm nhà ở cho thuê giá thấp hoặc bán cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp hoặc các dự án làm ăn hiệu quả nộp ngân sách đầy đủ hoặc đã hoàn thành từ 70-80% diện tích dự án... đảm bảo chủ trương an sinh xã hội. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay quá cao, không hợp lý cho chi phí đầu vào doanh nghiệp đề nghị giảm dần xuống mức 15-16% và duy trì mức ổn định không quá 12%/năm như trước đây, góp phần ổn định chi phí đầu vào sản phẩm.

Về việc tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, Hiệp hội BĐS Cần Thơ kiến nghị UBND thành phố, Bộ Tài chính xem xét áp dụng giá đất tính tiền sử dụng đất cho các dự án BĐS trên địa bàn thành phố theo giá quy định hàng năm (vì giá năm đã có yếu tố thị trường), đặc biệt đối với các dự án tái định cư, khu dân cư. Về khấu trừ tiền sử dụng đất của dự án BĐS nên xem xét chấp nhận cho khấu trừ toàn bộ chi phí bồi thường, GPMB thực tế (có chứng từ) mà doanh nghiệp bỏ ra, theo nguyên tắc không khấu trừ vượt qua tiền sử dụng đất phải nộp...

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng và Chính phủ sớm thông qua chiến lược phát triển nhà ở quốc gia với tầm nhìn dài hạn và toàn diện để định hướng phát triển ngành BĐS và thị trường BĐS để thực hiện quyền định cư của công dân và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Kiến nghị tập trung mọi nguồn lực phát triển chương trình căn hộ cho thuê giá rẻ và chương trình căn hộ bán trả góp dài hạn theo nhiều phương thức đa dạng từ ngân sách, từ hợp tác công - tư và xã hội hóa, nhà giá thấp cho người thu nhập thấp đô thị và có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình này...

Đặc biệt, UBND thành phố cần ban hành một số quy định và chính sách đặc thù tại địa phương như: Ban hành quy chế về trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án BĐS theo hướng rút ngắn thời gian, hạn chế thủ tục đảm bảo tính phản ứng nhanh trước những thay đổi của chính sách pháp luật, giá đất ban hành hàng năm; ban hành cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án xã hội hóa, dự án thành phần dự án BĐS theo tinh thần quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ... Hiệp hội BĐS Cần Thơ kiến nghị UBND thành phố xem xét “cơ chế họp giao ban hàng quý” giữa Hiệp hội BĐS và lãnh đạo UBND thành phố. Thông qua họp giao ban này sẽ báo cáo kịp thời hoạt động, tập hợp và phản ảnh lại các khó khăn, vướng mắc của hội viên... làm cơ sở xin ý kiến chỉ đạo và định hướng triển khai góp phần phát triển ổn định và bền vững của thị trường BĐS, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương...

(Theo báo Cần Thơ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu