SearchNews

Nhãn hiệu gỗ Đồng Kỵ nguy cơ mai một

08/12/2011 17:05

Sản phẩm gỗ Đồng Kỵ khi hoàn thiện được Trung Quốc thu mua và đem về nước gia công, mài dũa thêm và gắn nhãn Trung Quốc bán giá cao gấp 5 lần sản phẩm ban đầu.

Sản phẩm gỗ Đồng Kỵ khi hoàn thiện được Trung Quốc thu mua và đem về nước gia công, mài dũa thêm và gắn nhãn Trung Quốc bán giá cao gấp 5 lần sản phẩm ban đầu.

Hiện nay, 60% sản phẩm gỗ Đồng Kỵ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhãn hiệu gỗ Đồng Kỵ hàng trăm năm bỗng chốc bị lu mờ, thay vào đó là nhãn hiệu của Trung Quốc. Đã đến lúc việc đăng ký nhãn hiệu tập thể Gỗ Đồng Kỵ cần được quan tâm.

Theo Ông Dương Văn Canh, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ (Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh) có hơn 14.000 nhân khẩu, trong đó số lao động tham gia làm sản xuất kinh doanh gỗ chiếm hơn khoảng 95%. Phường Đồng Kỵ có gần 200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tổng doanh thu đồ gỗ năm 2010 đạt trên 400 tỉ đồng, kế hoạch năm 2011 tăng 10% so với những năm trước. Mục tiêu được UBND phường đề ra, phấn đấu đến năm 2015, tổng doanh thu đồ gỗ chiếm 97% trong cơ cấu kinh tế toàn phường, 1% từ các ngành công nghiệp khác, nông nghiệp chỉ 1-2%.

Chúng tôi đặt chân đến Đồng Kỵ vào một chiều đông, khác với không khí kinh doanh tấp nập, sầm uất vào vụ như mọi năm, thời điểm này thị trường có phần trầm lắng. Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết so với mọi năm tình hình thương mại gỗ năm nay trì trệ hơn, lượng hàng bán ra giảm 20% so với năm ngoái. Do đặc thù đồ gỗ của Đồng Kỵ xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đến thời điểm này các thương gia ít ký hợp đồng mới. Việc giao dịch thương mại với Trung Quốc thường mang tính chất thời vụ, khi thị trường Trung Quốc “lạnh” thì gỗ Đồng Kỵ lâm vào cảnh chợ chiều là dễ hiểu.

Theo ông Vương, Hội sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được thành lập từ tháng 3/2011 đến nay có 252 thành viên chủ yếu là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ có 5% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào Hội. Hội được thành lập với mục đích tạo điều kiện để vực các hộ kinh doanh nhỏ lẻ phát triển hơn, tìm đầu ra cho sản phẩm một cách bài bản.

Năm nay sản xuất, kinh doanh gỗ gặp phải vô vàn khó khăn, nguồn nguyên liệu gỗ phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Thái Lan. Tỉ giá biến động cùng với việc phải qua 3-4 khâu trung gian nguyên liệu mới đến tay người sản xuất khiến giá tăng cao.

Ngay từ những ngày đầu năm giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn năm ngoái tới 40% so với năm 2010, gỗ trắc là nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, những tấm có độ dày từ 10-20cm có giá 10.000 USD/m3, tấm dày 25-35cm khoảng 26.000 USD/m3. Gỗ hương vuông 20-30cm khoảng 45 triệu/m3. Gỗ gụ loại 25-35 có giá khoảng 20-22 triệu/m3. Chi phí nhân công tăng 25% so với năm trước trong khi giá bán sản phẩm chỉ tăng 20%. Bởi vậy, lợi nhuận thực tế chỉ chiếm 15% trong giá bán.

Bên cạnh đó, vấn đề lãi suất vay ngân hàng cũng khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao. Ông Vương cho biết, do thiếu vốn, những cơ sở sản xuất lớn đều thu hẹp quy mô chỉ còn một nửa, thậm chí chỉ bằng 30 – 40% so với lúc thịnh vượng. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đồng Kỵ hầu hết chuyển sang hoạt động cầm chừng hoặc gia công cho các cơ sở lớn. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Đồng Kỵ vì tài sản bảo đảm vốn vay gần như đã nằm ở ngân hàng cho việc đầu tư những dự án trước đó nên khi có dự án mới thì không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Nếu doanh nghiệp nào tiếp tục vay vốn để sản xuất thì sẽ cầm chắc lỗ trong tay.

Ông Dương Văn Hiếu, Giám đốc công ty Thiên Long chuyên sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ than thở: lãi suất cho vay thỏa thuận dao động ở mức 18%, cộng với chi phí không chính thức thì lên đến 21%/năm. Lãi suất ngân hàng cao, hàng tháng phải trả đủ trong khi sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Từ khâu chọn gỗ đến khi thành phẩm phải mất khoảng thời gian 4-5 tháng nếu lợi nhuận không cao bù vào những khoản chi ấy thì lãi mẹ đẻ lãi con sẽ khiến Công ty thua lỗ nặng. Bởi vậy, Công ty phải cắt giảm 80% công nhân, từ 100 lao động nay chỉ còn 20 lao động hoàn thiện nốt những sản phẩm còn lại. Công ty trước đây có 30 giàn máy đục hoạt động cả ngày lẫn đêm không hết việc nhưng nay chỉ còn 15 máy.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Kỵ đặt các hộ gia đình làm gia công theo mẫu mã do phía Trung Quốc yêu cầu (chủ yếu là giường, bàn ghế kiểu Minh Quốc, Trung Đường, sập ba thành, giường công chúa… ) sau đó xuất sản phẩm sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp phía Trung Quốc nhập sản phẩm về, tiến hành chỉnh sửa đường nét sắc nét hơn và bán với giá đắt gấp 5 lần giá nhập từ Đồng Kỵ.

Hầu hết các sản phẩm Đồng Kỵ đều bị dán nhãn của các doanh nghiệp Trung Quốc trước khi đưa ra tiêu thụ tại thị trường này. Vì vậy, Đồng Kỵ đang đứng trước nguy cơ mai một thương hiệu.

Mới đây, Hội sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gỗ Đồng Kỵ” với logo hoàn chỉnh, đang chờ quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh để trình lên Cục Sở hữu trí tuệ. Dự tính đến khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu tất cả các hộ sản xuất và doanh nghiệp thành viên trong Hội đều có quyền gắn nhãn Đồng Kỵ lên sản phẩm của mình và cũng có thể lựa chọn hình thức khắc chìm nhãn hiệu lên sản phẩm ở một vị trí phù hợp.

Việc thu hút nhiều hộ, doanh nghiệp chung tay sử dụng và bảo vệ nhãn hiệu gỗ Đồng Kỵ sẽ cứu được nguy cơ mai một thương hiệu cũng là để nghề gỗ Đồng Kỵ phát triển bền vững hơn.

(Theo Petrotimes)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu