Ở bóng đá, “bầu” Đức, “bầu” Hiển nổi tiếng chơi ngông còn ở bóng chuyền giờ đây mọi người biết đến “bầu” Pháp khi ông sở hữu cùng lúc đến 2 đội bóng. Ông làm nghề một cách nghiêm túc bởi đơn giản nó dễ làm và…ít tiêu cực hơn bóng đá.
Khái niệm ông bầu đã trở nên quen thuộc, đặc biệt ở môn bóng đá nhưng ở bóng chuyền vẫn còn xa lạ. Trước kia cũng có một số cán bộ Nhà nước, hay doanh nhân gây dựng và nuôi bóng chuyền như Trần Ngọc Quế (giấy Bãi Bằng), Nguyễn Văn Thư (Bưu điện Quảng Ninh) hay Lê Huy Hoàng (Sanest Khánh Hòa)…Nhưng lập ra hẳn một CLB, sở hữu đến 2 đội bóng, đầu tư không tiếc tiền, “lót tay” đến vài tỷ đồng cho VĐV thì chỉ có Bùi Pháp - ông “bầu” của 2 đội bóng Đức Long Gia Lai và Đức Long-QK5.
Né bóng đá vì tiêu cực
Ông Bùi Pháp - chủ tịch của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, vốn được biết đến là một doanh nhân thành đạt, đứng thứ 39 trong top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010. Nhưng từ 3 năm nay ông còn nổi tiếng hơn khi đầu tư vào bóng chuyền.
Năm 2009, đội bóng chuyền Quân khu 5 đứng trước nguy cơ rã đám vì thiếu kinh phí. Khi đó, đội bóng này khá yếu và suýt chút nữa thì rớt hạng. Ngay lập tức, ông đã nhảy vào cứu con thuyền đắm khi đồng ý tài trợ gắn thương hiệu 2 tỷ đồng/năm. Không chỉ tài trợ tiền để đội bóng hoạt động, ông còn rất tích cực săn lùng những VĐV giỏi để đưa về đội bóng. Vì thế, trong 3 mùa giải qua, Đức Long-QK5 tuy không thể vươn lên thứ hạng cao nhưng việc trụ hạng không còn là mối bận tâm lớn.
Sau hơn 2 năm có kinh nghiệm làm bóng chuyền, bầu Pháp quyết định lập riêng một CLB của riêng mình, mang chính tên của Tập đoàn Đức Long Gia Lai thi đấu ở hạng A1. Từ khi thai nghén ý tưởng đến khi đội bóng được chính thức thành lập chỉ mất có hơn 20 ngày, một kỷ lục của bóng chuyền Việt Nam. Đó là đội bóng toàn sao đúng nghĩa khi có sự góp mặt của những VĐV bóng chuyền hàng đầu Việt Nam như Thái Anh Văn, Mạc Hồng Thái, Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Văn Toại, Phạm Văn Thành…. Dẫn dắt họ là HLV Bùi Quang Ngọc, người từng đưa Thể Công vô địch quốc gia 5 năm liền.
Nhưng “sốc” nhất là việc bầu Pháp bay qua Thái Lan thương lượng để đưa về chủ công số 1 Đông Nam Á, Wanchai Tabwises về thi đấu cho Đức Long Gia Lai trong 5 năm. Mức lương mà Đức Long-Gia Lai trả cho anh lên đến trên 6.000 USD/tháng. Bên cạnh đó, để đưa Hữu Hà về thi đấu cho mình từ Ninh Bình, "bầu" Pháp đã chi riêng tiền lót tay cho anh đến 3,5 tỷ, không kém cạnh là mấy so với các ngôi sao bóng đá. Bầu Pháp tính rằng, số tiền ông “nuôi” Đức Long Gia Lai lên hạng đội mạnh trong năm 2011 này lên đến gần 20 tỷ đồng, nhiều hơn số tiền tại một số đội bóng hạng Nhất.
Nguyên nhân bầu Pháp đến với bóng chuyền cũng rất đặc biệt, ông cho biết: “Ngoài việc gây dựng phong trào cho Tập đoàn, đem không khí bóng chuyền đến Gia Lai thì tôi đến với môn này bởi nó có thắng-thua rõ ràng, chứ không có hòa. Hơn nữa, bóng chuyền ít tiêu cực hơn bóng đá. Có tiêu cực thì cũng rất dễ phát hiện trên sân. Do đó, tôi có thể kiểm soát được đội bóng của mình chứ không “đau đầu” vì mấy cầu thủ như các ông bầu bóng đá…”.
Ít ai biết rằng trước khi lập ra đội Đức Long Gia Lai, bầu Pháp đã từng đến Long An thương lượng chuyển nhượng đội bóng chuyền nam của tỉnh này sau khi doanh nghiệp Hoàng Long chấm dứt tài trợ. Khi đó, đội Long An có một lứa VĐV rất mạnh, đồng đều: Quanh Khánh, Huỳnh Văn Tuấn, Trường Giang, Văn Sang, Hữu Trường, Hồng Huy… Tuy nhiên, phía Long An chỉ muốn Đức Long tài trợ gắn thương hiệu trái với ý nguyện của bầu Pháp nên việc chuyển nhượng bất thành.
Khó cho VFV
Việc bầu Pháp sở hữu đến 2 đội bóng chuyền Đức Long-QK5 và Đức Long Gia Lai đang làm khó cho Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - VFV. Bởi khác với bóng đá, việc một ông bầu sở hữu 2 đội bóng là chuyện trái với quy định của FIFA, thì ở bóng chuyền lại không hoàn toàn như vậy.
Ngay cả Liên đoàn bóng chuyền thế giới FIVB cũng chưa từng đưa ra một điều khoản nào quy định về việc một người có quyền hay không được phép quản lý cùng lúc nhiều đội bóng. Tức là trường hợp sở hữu 2 đội bóng như bầu Pháp mới lạ ngay cả ở tầm quốc tế. Việc ứng phó với loại hình phát sinh này không dễ đối với VFV.
Trong mùa giải 2012 tới, Đức Long-QK5 và Đức Long Gia Lai sẽ thi đấu cùng 1 hạng và việc họ chạm trán nhau là nguy cơ có thật. Khi hỏi bầu Pháp thì ông khẳng định: “Nếu 2 đội gặp nhau sẽ thi đấu sòng phẳng, không có chuyện nhường nhịn ở đây. Những VĐV tốt nhất như Hữu Hà, Wanchai, Văn Toại, Thái Anh Văn…sẽ thi đấu cho Đức Long-Gia Lai với tham vọng vươn cao mùa tới. Vì thế, đối với chúng tôi mỗi trận đấu là một trận chung kết, phải thi đấu hết mình. Hơn nữa, đội bóng là đại diện hình ảnh của cả Tập đoàn, thi đấu mà “xìu xìu” thì ai mà coi được….”
Việc điều chỉnh để tạo ra tính công bằng trong sân chơi bóng chuyền sẽ sớm được cân nhắc, nhưng kể từ khi bầu Pháp tham gia đầu tư vào bóng chuyền, môn thể thao này đã sôi động hẳn lên, đặc biệt ở khâu chuyển nhượng. Đó mới là điều đáng mừng trong bối cảnh suốt một thời gian dài môn thể thao này quá chìm so với bóng đá….
Những điều chưa biết về doanh nhân Bùi Pháp
Sinh ra tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, là con út trong một gia đình nông dân nghèo khó, Bùi Pháp mồ côi cha lúc vừa tròn 3 tháng tuổi. Đến năm 18 tuổi, vào thứ 6 ngày 13/6/1979 chàng thanh niên Bùi Pháp thoát ly gia đình, rời quê hương tìm kế sinh nhai. Ngày ông ra đi, mẹ già bịn rịn dúi vào tay thằng út một chỉ vàng, còn các anh chị gom góp được 170.000 đồng để em có tiền phòng thân, làm vốn khởi nghiệp.
Chọn Gia Lai làm đất hứa, những năm chập chững vào đời, ông Pháp học nghề chế tạo cơ khí, sửa chữa nâng cấp xe vận tải, làm nhà xưởng. Từ một người thợ, ông mày mò học hỏi, tìm tòi, kiên trì chờ cơ hội. Lăn lộn giữa chợ đời 16 năm, chắt chiu vốn liếng, kinh nghiệm, tháng 9/1995, ông Pháp thành lập Xí nghiệp Đức Long Gia Lai và từng bước gặt hái thành công như ngày nay.
Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho hay, trong cuộc đời ông, để tạo dựng sự nghiệp, ngoài gia đình, ông chịu ơn rất lớn của 3 người. Đó là anh tài xế lái xe, ông bảo vệ và cô cấp dưỡng vì họ đã theo ông phục vụ 15 năm đằng đẵng. Với ông, chính những người cộng sự tận tụy, thầm lặng ấy đã tiếp thêm cho ông sự ổn định để đấu trí trên thương trường.
"Bầu" Pháp còn được biết đến với việc giải cứu Hữu Hà khỏi đội Tràng An Ninh Bình. Khi đó, Hà không có hợp đồng VĐV với Ninh Bình, chỉ có hợp đồng công chức. Anh làm đúng thủ tục pháp lý với Ninh Bình để về Gia Lai cuối năm 2009. Tuy nhiên, phía Ninh Bình gây khó dễ kiện lên VFV khiến Hữu Hà bị “treo tay” hơn 1 năm.
Nếu không có sự hào phóng và kiên trì theo đuổi hơn 1 năm trời, có lẽ giờ đây Hữu Hà đã giải nghệ và không được tham dự SEA Games sắp tới. Vụ việc của Hữu Hà là điển hình cho mảng rắc rối nhất ở bóng chuyền Việt Nam- mảng chuyển nhượng khi chưa có được một quy chế thật sự rõ ràng.
(Theo cafeF)