Đã qua hạn chót tới 6 tháng để xử lý các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng thời điểm này, nhiều tuyến phố của Thủ đô vẫn ngổn ngang những ngôi nhà méo mó, kỳ dị. Sự tồn tại của những ngôi nhà này như đang thách thức chính quyền Hà Nội.
Đầu năm 2011, sau khi thành phố Đà Nẵng dẹp được “loạn” nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn, trả lại sự phong quang đẹp đẽ cho đô thị, Hà Nội cũng ráo riết lên kế hoạch và họp bàn với các Sở, Ngành, Quận, Huyện… đề ra kế hoạch “trảm” hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay trên địa bàn Thủ đô.
Theo kế hoạch ban đầu, lãnh đạo thành phố giao các quận, huyện phải xử lý xong các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố trong tháng 9/2011. Để ráo riết thực hiện nhiệm vụ này, một Ban chỉ đạo do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban đã được thành lập.
Thậm chí, để cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc giải quyết những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, lãnh đạo Hà Nội còn tổ chức họp báo cáo, giao ban thường kỳ hàng tháng giữa các quận với thành phố. Đây là cơ hội để cơ quan chức năng nghe các đơn vị nêu ra những khó khăn trong việc giải quyết những ngôi nhà này, từ đó lãnh đạo thành phố kịp thời vào cuộc, tháo gỡ những khó khăn hòng đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, sau 2 tháng đầu bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch "trảm" những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo, công việc thực tế nảy sinh đầy rãy những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch. Thực tế này khiến lãnh đạo thành phố buộc phải gia hạn thời gian "trảm” xong những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đến ngày 20/11/2011 và hạn chót là cuối tháng 12/2011.
Thế nhưng, đến nay đã qua thời hạn chót để xử lý xong các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo tới 6 tháng, trên địa bàn Thủ đô vẫn tồn tại hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.
Tại hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô: Bà Triệu, Trường Chinh, Khuất Duy Tiến, Lê Duẩn, Khâm Thiên, Nguyễn Trãi… hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp những nỗ lực dẹp bỏ của phía chính quyền thành phố, trong đó không khó để nhận ra rất nhiều ngôi nhà nhỏ có diện tích chỉ từ 2-3 m2.
Điển hình cách Ngã Tư Sở vài trăm mét, tại một ngõ nhỏ vào khu dân cư trên phố Trường Chinh ngang nhiên tồn tại một căn nhà chiều sâu chỉ khoảng 1m, chiều rộng khoảng 1,7 m nằm chềnh ềnh mặt đường gần như chắn ngang ngõ ra - vào khu dân cư.
Do diện tích “căn hộ” quá nhỏ nên được gia chủ dùng làm cửa hàng bán điện thoại và sim, thẻ các loại. Sự tồn tại của ngôi nhà này từ lâu như án ngữ lối ra vào khu dân cư. Nhiều hộ dân ở đây khi biết chủ trương của thành phố về việc phá bỏ những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo thì rất mừng. Tuy nhiên, đến nay đã qua thời hạn cuối 6 tháng, ngôi nhà vẫn không hề bị bất cứ một tác động nào. Hàng ngày, chủ cửa hàng vẫn mở cửa bán điện thoại và sim thẻ như không hề có việc gì xảy ra.
Không riêng gì các ngôi nhà có diện tích siêu nhỏ, siêu méo đang tồn tại trên phố Trường Chinh, thời điểm này, dọc tuyến phố Bà Triệu, cũng đang tồn tại một số ngôi nhà siêu mỏng được xây cao 2-3 tầng. Tại tuyến phố này, do diện tích còn lại quá nhỏ cho nên chủ sử dụng đất khi xây dựng nhà lên cao đã xây thò ra ngoài khiến người đi đường mỗi khi đi qua đây chứng kiến những ngôi nhà như vậy đều lắc đầu ngao ngán.
Hay ngay trên đường Lê Duẩn cũng tồn tại một số ngôi nhà siêu mỏng, méo. Cụ thể, gần ga Hà Nội từ nhiều năm nay tồn tại một ngôi nhà 2 tầng siêu mỏng. Ngôi nhà này sâu chưa đầy nửa mét nhưng cũng được xây lên 2 tầng 1 tum. Để có diện tích sử dụng, chủ nhà đổ mái các tầng chìa ra vỉa hè khoảng nửa mét.
Theo thống kê chưa đầy đủ trước thời điểm Hà Nội lên kế hoạch “trảm” nhà siêu mỏng, siêu méo, thành phố có 533 ngôi nhà kỳ dị thuộc diện phải xóa sổ tại 29/29 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 200 trường hợp tồn tại trước khi có quyết định 26/2005 của UBND thành phố, 186 trường hợp hình thành sau quyết định 26. Tuy nhiên, hiện còn 147 trường hợp chưa xác định được thời điểm hình thành.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân gây nên tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ở các tuyến đường của Thủ đô là do quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là các khu vực mới mở rộng.
Quá trình phát triển đô thị, mở đường mới chỉ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo chỉ giới đường đỏ. Quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố chưa có, cũng như việc xử lý đối với phần diện tích đất còn lại sau khi mở đường chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, thiếu cơ chế... đã dẫn đến tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố.
(Theo VnMedia)