SearchNews

Giá vật liệu xây dựng "leo thang" có thể khiến giá nhà tăng mạnh

19/11/2021 08:05

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng có nhiều đợt gia tăng gây áp lực lớn cho nhà thầu, chủ đầu tư dự án bất động sản và đặc biệt là người mua nhà.

Thị trường vật liệu xây dựng hồi đầu năm 2021 ghi nhận giá thép tăng đột biến so với năm 2020. Sau khi các bộ ngành vào cuộc kiểm tra, giá thép cũng như các vật liệu xây dựng khác đã giảm xuống. Tuy nhiên, đến nay giá vật liệu xây dựng lại tăng lên.

"Bão giá" vật liệu xây dựng

Số liệu thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trong tháng 10 vừa qua, giá thép đã được nhiều doanh nghiệp điều chỉnh mức tăng giá bán từ khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy thương hiệu… Giá xi măng  trước đó cũng tăng bình quân từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn, giá kính các loại cũng tăng hơn 30% so với hồi đầu năm 2021.

Giới chuyên gia lý giải, sở dĩ giá thép xây dựng tăng cao là do nguyên liệu sản xuất thép trong nước như phối thép, quặng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, giá của các nguyên liệu này trên toàn cầu đều tăng liên tục kể từ cuối năm ngoái. 

Cụ thể, tính đến đầu tháng 3/2021, giá quặng sắt ở mức 170 USD/tấn, so với cuối năm 2020 tăng 55% và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ở mức 660 USD/tấn, so với cùng kỳ tăng 44%. Bên cạnh đó, việc chi phí logistic, chi phí vận chuyển cũng tăng so với trước đây cũng khiến giá nguyên liệu sản xuất thép tăng lên.

Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như giá thép xây dựng tăng 30 - 40%, giá xi măng tăng 3 - 5%, giá nhựa đường tăng 9 - 10%.

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ông Tống Văn Nga cho hay, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp qua các đợt cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vật liệu xây dựng gia tăng. Trước hết là do từ nguyên liệu, vận tải, nhân công, điện năng, quy định giãn cách trong sản xuất... khiến giá vật liệu thiết lập mặt bằng mới. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nhà thầu, chủ đầu tư tư và nhất là người mua nhà.

Ngoài ra, các tháng cuối năm thường là thời điểm nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà của người dân tăng mạnh, do đó nhu cầu sử dụng thép xây dựng cũng tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng mặt bằng giá vật liệu xây dựng.

>>> Xem thêm: Tiêu thụ thép xây dựng thấp nhất trong 5 năm

hình ảnh cận cảnh các tòa nhà cao tầng, cần cẩu xây dựng minh họa cho vật liệu xây dựng tăng giá
Giá vật liệu xây dựng liên tục gia tăng gây áp lực tăng giá nhà. Ảnh minh họa

Người mua nhà "lãnh đủ"

Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng không ngừng "leo thang", nhiều dự án bất động sản, công trình xây dựng buộc phải thi công cầm chừng, nguy cơ chậm tiến độ. Chủ đầu tư thậm chí sẽ chọn cách dừng thi công, chịu nộp phạt. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường địa ốc, nguồn cung càng thêm hạn chế, khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp thông tin, hiện các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước và chủ yếu sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm ký, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, các nhà thầu đang đứng trước nguy cơ vỡ trận khi giá vật liệu xây dựng liên tục gia tăng.

Theo tính toán của các chuyên gia, trong một dự án bất động sản, sắt thép thường chiếm từ 15 - 20% tổng chi phí. Điều đáng nói là, chi phí này sẽ được tính vào giá bán. Mà giá đầu vào tăng thì buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán. Thế nên người mua nhà sẽ là đối tượng chịu nhiều áp lực nhất. 

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, nguồn cung sản phẩm ra thị trường từ năm 2019 đã bắt đầu trở nên khan hiếm, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Nguồn cầu tăng mà nguồn cung thiếu hụt thì giá bất động sản sẽ tăng mạnh là điều tất yếu. Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến đã kéo theo giá bán căn hộ tăng 4 - 6%, dự báo thời gian tới sẽ còn tăng từ 10 - 15%. Gánh nặng này sẽ trút lên vai người mua nhà.

Trước thực trạng trên, ông Đính cho rằng, Chính phủ cần có chính sách để điều tiết chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng, nhất là hai hạng mục sắt thép, xi măng - vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn trong các công trình xây dựng. Đồng thời, cần tìm cách để giành thế chủ động đối với thị trường vật liệu xây dựng cả khâu cung ứng và sản xuất.

Liên quan đến giá vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng mới đây cũng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương. Theo đó, Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở xây dựng thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp.

Trong khi đó, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng (chủ yếu là thép xây dựng), đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc tăng giá thép, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng.

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu