Nhà phố kết hợp kinh doanh là kiến trúc phổ biến tại các khu đô thị hay những vùng có dân cư đông đúc. Loại hình kiến trúc này cho phép gia chủ tận dụng mặt bằng có sẵn để bố trí các không gian sinh hoạt gia đình và để kinh doanh giúp tiết kiệm chi phí đáng kể so với việc thuê mặt bằng ở nơi khác. Tuy nhiên, nhà phố kết hợp kinh doanh nếu không được tính toán kỹ lưỡng trong quá trình thiết kế thì sẽ trở thành thảm họa, gây bất tiện cho chính các thành viên trong gia đình, hàng xóm xung quanh và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của gia chủ.
Hãy tham khảo những kinh nghiệm xây nhà ở kết hợp kinh doanh dưới đây để khai thác lợi thế của ngôi nhà một cách triệt để.
Định hướng xây nhà phố kết hợp kinh doanh
Vị trí xây dựng
Để phục vụ mục đích kinh doanh và đảm bảo đi lại dễ dàng, nên chọn mảnh đất xây nhà nằm ở vị trí giao thông thuận tiện, có mặt tiền hướng ra đường lớn, đặc biệt tốt hơn nếu mảnh đất nằm ở giao lộ ngã ba, ngã tư, như vậy nhà sẽ có 2 hoặc 3 mặt tiền.
Với những ngôi nhà ở vị trí không thuận tiện, giải pháp đưa ra là tạo kiến trúc nổi bật so với các công trình lân cận để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Về tính chất công trình
Để có một ngôi nhà phố kết hợp kinh doanh thuận tiện, hiệu quả thì diện tích đất, sàn thi công phải rộng rãi chứ không nên quá chật hẹp. Ngoài nhà phố, biệt thự phố hay biệt thự nhà vườn cũng có thể sử dụng để ở kết hợp kinh doanh.
Về kết cấu, quy mô công trình
Nhà ở kết hợp kinh doanh, buôn bán cần có kết cấu từ 2 tầng trở nên. Tùy vào mục đích kinh doanh của chủ nhà như để cho thuê, buôn bán, kinh doanh… để xác định số tầng cho phù hợp. Trong đó, khu vực kinh doanh thường được bố trí ở các tầng phía dưới hoặc ở phía trước nhà; không gian sinh hoạt của gia đình nằm ở các tầng cao hoặc phía sau nhà và sử dụng cầu thang riêng.
Với trường hợp diện tích nhà không được lớn nhưng vẫn muốn tận dụng để kinh doanh, buôn bán, bạn có thể thi công thêm phần gác lửng. Lý tưởng nhất thì ngôi nhà xây để kết hợp kinh doanh nên có thêm tầng hầm, bán hầm hay chỗ để xe cho khách.
Bên cạnh đó, bạn cần có một bản thiết kế nhà chuyên nghiệp, được tính toán kỹ lưỡng dựa trên đặc điểm mảnh đất, thói quen sinh hoạt của các thành viên và mục đích kinh doanh. Nhờ đó, công trình sẽ đẹp cả về kiến trúc ngoại thất, bài trí không gian hợp lý, mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
Các yếu tố cần đảm bảo khi thiết kế nhà phố kết hợp kinh doanh
An toàn và an ninh
Ngoài để ở, ngôi nhà còn được dùng với mục đích kinh doanh, buôn bán nên thường xuyên mở cửa. Vô hình chung, điều này càng thu hút sự chú ý của kẻ gian và nhiều người sẽ lợi dụng đặc điểm đó để ra tay trộm cướp, chiếm đoạt tài sản. Do vậy, hãy chú ý đến vấn đề an ninh, đặc biệt là cửa chính khi xây nhà. Tốt nhất, bạn nên làm cửa hai lớp gồm cửa sắt và cửa kính.
|
Trong hình là cửa cuốn có thể dùng cho các cửa hàng bán đồ có giá trị cao như điện thoại di động, vàng bạc, đá quý… |
Bên cạnh đó, cần lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát để tăng cường tính an ninh. Những gia đình kinh doanh mặt hàng có giá trị cao như vàng bạc, điện thoại hay đá quý thì càng cần phải thận trọng, không chỉ ở nơi ra vào khu vực buôn bán mà cả trong không gian sinh hoạt của gia đình. Nếu mở tiệm ăn hay kinh doanh chất dễ gây cháy nổ thì cần trang bị các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy phù hợp.
Phù hợp với loại hình kinh doanh
Để có được giải pháp bố trí mặt bằng phù hợp, việc đầu tiên cần xác định là loại hình, mặt hàng kinh doanh, buôn bán. Dựa trên nhu cầu thực tế của bạn mà kiến trúc sư sẽ đưa ra giải pháp bố trí các không gian cho phù hợp.
Ví dụ, với nhà ở kết hợp cửa hàng quần áo thì không gian phải tạo được cảm giác sang trọng, làm nổi bật sản phẩm trưng bày. Trong khi đó, với nhà hàng, quán cà phê thì mặt tiền phải có tầm nhìn đẹp, thoáng sáng, kiến trúc độc lạ.
Sự riêng tư
Chắc chắn đây là một trong những yếu tố cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi thiết kế và thi công nhà bởi không ai muốn hoạt động kinh doanh ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của gia đình mình. Ngoài khu vực kinh doanh chính thì bạn cũng cần thiết kế các công trình phụ trợ như WC dành cho khách (nhất là với quán nước, tiệm ăn).
Việc sử dụng các vật che chắn như tường bao, cửa kính, hệ lam, cây xanh là những cách hiệu quả để đảm bảo sự riêng tư cho các không gian sinh hoạt của gia đình.
Một giải pháp được nhiều gia đình áp dụng là dành riêng tầng 1 hoặc 2 tầng đầu phục vụ cho hoạt động kinh doanh và chặn lối dẫn lên khu vực sinh hoạt của gia đình. Việc sử dụng các bảng hướng dẫn nhắc nhở khách về giới hạn riêng tư cũng rất cần thiết.
Tính thẩm mỹ
Không xa hoa, lộng lẫy giống như biệt thự, nhà phố thường mang tính chất bình dân. Tuy nhiên, khi được thiết kế với mục đích kết hợp kinh doanh, ngôi nhà cần phải có diện mạo sạch sẽ, tươm tất, mang lại cảm giác yêu tâm cho khách hàng. Để làm được như vậy, gia chủ nên đầu tư cho hệ thống chiếu sáng, bổ sung thêm máy lạnh, máy quạt mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Bảng hiệu là chi tiết rất quan trọng, cần được thiết kế ấn tượng, sáng tạo, có kích thước vừa phải, thể hiện rõ lĩnh vực, sản phẩm kinh doanh.
Phối cảnh và mặt bằng nhà phố kết hợp kinh doanh điển hình
1. Nhà phố 3 tầng, 2 mặt tiền, diện tích 5x20m
Ngôi nhà có 3 tầng với tầng 1 có diện tích kinh doanh lớn, phía cuối có bếp và phòng tắm. Các không gian sinh hoạt như phòng khách, phòng ngủ đều được bố trí tách biệt trên tầng 2. Bên cạnh đó, do mảnh đất có lợi thế 2 mặt tiền, kiến trúc sư thiết kế 2 lối ra vào riêng biệt cho 2 không gian: 1 lối vào to rộng dành cho kinh doanh và 1 lối vào nhỏ hơn dành cho gia đình. Giữa không gian kinh doanh và sinh hoạt được ngăn cách bằng cửa để đảm bảo an toàn.
2. Nhà phố 3 tầng, diện tích 5x12m
Toàn bộ tầng 1 của ngôi nhà được sử dụng cho mục đích kinh doanh, buôn bán. Tại tầng 1, gia chủ nên thiết kế phòng vệ sinh nhỏ dành cho khách. Không gian sinh hoạt của gia đình trải dài trên tầng 2 và tầng 3 nên rất an toàn và riêng tư. Gia chủ nên thiết kế cửa đóng mở tại lối đi lên cầu thang và treo bảng chỉ dẫn khách hàng về giới hạn riêng tư.
3. Nhà phố 3 tầng 1 tum, diện tích 4x15,5m
Gia chủ chỉ có nhu cầu buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ, do vậy, kiến trúc sư chỉ dành một khoảng diện tích rộng 30m2 ở phía trước tầng 1 phục vụ cho mục đích kinh doanh. Diện tích còn lại của tầng 1 để bố trí bếp, bàn ăn và phòng vệ sinh nhỏ. Không gian riêng tư gồm phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, phòng tắm đều được bố trí tách biệt trên tầng 2, tầng 3. Kiến trúc sư thiết kế cửa ngăn cách giữa khu vực kinh doanh và phòng bếp để hoạt động kinh doanh không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của các thành viên trong nhà.
4. Nhà phố 4 tầng, 2 mặt tiền liền kề, diện tích 11,5x21,5m, có gara ôtô
Đây là mẫu thiết kế nhà 4 tầng 2 mặt tiền vạt góc khá phổ biến. Phần mặt tiền được chau chuốt kỹ lưỡng, kết hợp các mảng tường trắng và chất liệu đá tạo vẻ đẹp sang trọng cho công trình.
So với các mẫu nhà phố kết hợp kinh doanh khác, mẫu nhà dưới đây có công năng sử dụng cao hơn và cách bố trí cũng khác biệt. Do ngôi nhà được sử dụng với mục đích vừa để ở, vừa kết hợp kinh doanh nên kiến trúc sư thiết kế thêm tầng hầm làm nơi để xe và kho chứa hàng. Tầng trệt là không gian dành cho phòng khách, phòng ăn kết hợp bếp, phòng giải trí, phòng ngủ và phòng vệ sinh. Tầng 2 rộng rãi được bố trí 5 phòng ngủ và 1 phòng sinh hoạt chung. Tầng 3 để bố trí văn phòng, xưởng sản xuất và các phòng chức năng phục vụ công việc kinh doanh. Tầng 4 gồm phòng thờ, phòng ngủ dành cho nhân viên, 1 phòng dự trù và phòng vệ sinh.
5. Nhà phố 2 tầng, diện tích 4x23m
Nhà phố kết hợp kinh doanh có mặt tiền được thiết kế đơn giản, sử dụng hệ lan can kính hiện đại cùng các chi tiết màu xanh làm đểm nhấn cho kiến trúc. Không gian dành cho hoạt động kinh doanh, buôn bán được bố trí ở phía trước nhà. Cầu thang vừa đóng vai trò kết nối các tầng, vừa có nhiệm vụ ngăn cách không gian kinh doanh với không gian sinh hoạt của gia đình. Bên cạnh đó, kiến trúc sư còn bố trí một cửa hông vào nhà tại không gian phòng khách. Lối đi này giúp hạn chế tác động của hoạt động kinh doanh nên quá trình sinh hoạt của gia đình.