SearchNews

Nhà đẹp ấn tượng với chất liệu gạch trần thô mộc

19/12/2018 17:17

Với độ bền cao, dễ kết hợp tạo hình cùng màu đỏ bắt mắt, gạch trần (hay gạch mộc, gạch đất nung) không chỉ được sử dụng trong phạm vi tạo khối kiến trúc mà đã trở thành chất liệu tuyệt vời trong thiết kế, trang trí nhà ở hiện đại.

Gạch đất nung được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc từ hàng ngàn năm nay và có vị trí vững chắc tưởng chừng như không thể thay thế bởi mọi công trình đều được khởi tạo từ những viên gạch. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà gạch mộc ở bất cứ nơi đâu trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, có một giai đoạn, gạch mộc không còn được sử dụng nhiều như trước do sự xuất hiện của các vật liệu hiện đại hơn, bền vững hơn. Bên cạnh đó, gạch mộc cũng bộc lộ yếu điểm như cần được trùng tu thường xuyên để kéo dài tuổi thọ và đảm bảo tính thẩm mỹ.

Vài năm trở lại đây, bên cạnh những vật liệu truyền thống như tre nứa, gạch trần đã hồi sinh mạnh mẽ, vượt ngoài phạm vi tạo hình kiến trúc và được sử dụng rộng rãi trong thiết kế, trang trí nhà ở theo cách thức độc đáo, sáng tạo hơn. Đây vừa là yếu tố quan trọng tạo nên kết cấu vững chắc cho công trình, vừa là phương tiện trang trí, kiến tạo không gian sống ấm áp, mộc mạc và rất Việt Nam.

gạch trần
Không cần sơn trát, công trình sử dụng gạch trần vẫn trở nên nổi bật, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có tính thẩm mỹ cao.

Khi được sử dụng với mục đích trang trí nhà ở, gạch được để trần, không trát. Trong quá trình xây dựng, người công nhân chỉ cần xây theo mạch vữa hay theo các bố cục nhất định mà không cần thực hiện công đoạn trát.

Ưu điểm của gạch trần

Làm tăng tính thẩm mỹ cho công trình

So với các loại gạch khác, gạch trần có kích thước vừa phải, kiểu dáng vuông vắn, không có họa tiết, màu sắc không  quá sặc sỡ nhưng rất bắt mắt. Đặc biệt, gạch trần dễ kết hợp với nhau theo các bố cục nhất định tạo nên diện mạo ấn tượng. Vẻ đẹp mộc mạc từ chất liệu gạch trần truyền thống giúp nâng tầm giá trị thẩm mỹ cho công trình. Theo thời gian, loại gạch này càng phai mờ càng phong trần, cổ kính, tạo thành nét thu hút cho kiến trúc nhà ở.

Độ bền cao

Ưu điểm vượt trội tiếp theo của gạch trần so với các loại gạch xây dựng khác chính là loại gạch này có độ bền khá cao, khả năng chịu lực cao đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng xây dựng cũng như nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, gạch trần có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt góp phần kiến tạo không gian sống tiện nghi và thoải mái.

Tiết kiệm chi phí xây dựng

Giá thành gạch mộc rẻ hơn nhiều so với một số loại vật liệu khác. Cùng với đó, quá trình thi công bỏ qua công đoạn trát giúp chủ đầu tư tiết kiệm được một khoản chi phí mua nguyên liệu, chi phí nhân công trát tường, chi phí sơn nhà và thời gian thi công. Đây là một trong những lý do tạo nên sức hút cho gạch mộc không sơn trát so với các loại gạch khác hiện nay.

Cuối cùng, khi xây nhà bằng gạch trần, bạn sẽ không cần tốn thời gian, tiền bạc và công sức để xử lý các vết nứt tường bê tông xuất hiện sau một thời gian dài do thấm dột, ẩm ướt.

Kỹ thuật xây gạch trần đảm bảo thẩm mỹ và độ bền

Kỹ thuật xây gạch trần, không sơn trát đòi hỏi tính tỉ mỉ, cận thận bởi trong quá trình xây, chỉ cần một chi tiết cẩu thả cũng làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của toàn bộ ngôi nhà.

Kỹ thuật xây gạch trần được gói gọn như sau: “Ngang bằng, đứng thẳng, mặt phẳng, góc vuông, mạch không trùng, khối xây đặc chắc, mạch đầy, đều và đẹp”. Cụ thể:

- Khối xây gạch chỉ chịu lực tốt theo phương thẳng đứng. Hạn chế xây nghiêng lệch hay méo mó để tránh làm giảm khả năng chịu lực của tường gạch.

- Đảm bảo khối xây vuông vức, bằng phẳng để tăng tính thẩm mỹ, đồng thời giúp giảm nguyên vật liệu và nhân lực ở công đoạn sơn (nếu có).

- Khi xây nhà gạch trần, cần tránh hiện tượng trùng mạch (mạch của các hàng gạch trên – dưới trùng nhau) để đảm bảo tính an toàn và thẩm mỹ cho công trình. Mạch dọc có thể trùng tới 4-5 hàng nhưng tuyệt đối không được trùng mạch ngang. Nhằm tăng độ bền cho tường và tránh hiện tượng trùng mạch, người ta thực hiện kỹ thuật khóa mạch như sau: Cứ 3 đến 5 hàng gạch dọc thì sẽ có 1 hàng gạch ngang.

- Trong tạo khối kiến trúc với gạch trần, viên gạch ngang phải là gạch đặc (gạch đinh) để tránh hiện tượng tụt đinh và tăng khả năng chống thấm cho tường.

- Nếu không thể dùng gạch ngang để khóa mạch, có thể sử dụng thép nhằm tăng cường sự liên kết giữa các hàng gạch.

- Với tường bao 220cm, hàng gạch cuối cùng luôn luôn quay ngang để phân phố lại mạch xây, đồng thời chia tải trọng đều sang hai bên.

Ứng dụng gạch trần trong các kiến trúc đặc biệt

Long An House (Long An)

nhà gạch trần
Ngôi nhà với kết cấu gạch thô mộc, không sơn trát tại Long An khiến bất cứ ai cũng cảm thấy ấn tượng bởi diện mạo khác biệt so với những công trình xung quanh.
nhà gạch đất nung
Màu gạch trần đỏ tươi nổi bật trên nền cỏ xanh mát. Vẫn là kiến trúc truyền thống nhưng mái ngói trải dài kết hợp cùng vật liệu gạch trần tiềm ẩn sức sống mạnh liệt và đầy cảm xúc.
tường gạch trần
Các viên gạch được bố trí theo một quy tắc đặc biệt hình thành nên bức tường “xốp” có vai trò thông gió trong nhà.

Nhà Hang động (Hà Nội)

nhà hang động
Ngôi nhà có thiết kế trông như hang động với 2 lớp tường gạch bao bọc.
gạch thô mộc
Vật liệu gạch trần thô mộc giúp ngôi nhà luôn mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông và mang lại sự trải nghiệm thú vị cho những người sống tại đây.

Uncle’s House (Lâm Đồng)

Uncle’s House
Nhằm mục đích tạo ra không gian sống yên ả, an nhiên cho chủ nhà, kiến trúc sư đã lựa chọn gạch đỏ, gỗ mộc và ngói truyền thống cho ngôi nhà.
giếng trời
Khoảng giếng trời kết hợp cùng tường gạch mộc và lỗ thông khí đóng vai trò luân chuyển không khí trong nhà.

Sử dụng gạch đỏ trong trang trí nhà ở

Những công trình sử dụng gạch mộc không chỉ gây ấn tượng với vẻ ngoài độc đáo mà còn giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều gạch trần mà không có sự tư vấn, trợ giúp của kiến trúc sư có thể khiến ngôi nhà trở nên nặng nề, nhanh xuống cấp. Nếu yêu thích không gian mang tính hoài niệm, có sự giao thoa giữa cũ và mới, giữa cổ điển và hiện đại thì bạn có thể sử dụng gạch trần cho một vài mảng tường như vách tường, cột nhà, ốp trần, mặt tiền…

mặt tiền gạch trần
Mặt tiền sử dụng mô tuýp gạch xếp lỗ độc đáo tạo thành những ô nhỏ liên tiếp tạo góc nhìn thông thoáng cho ngôi nhà mà vẫn đảm bảo sự riêng tư cần thiết.
cột nhà gạch trần
Cột nhà vốn được coi là chi tiết cần thiết trong cấu trúc một căn nhà nhưng thường gây bất tiện trong bất cứ không gian dù lớn hay nhỏ. Có nhiều cách linh hoạt để biến cột nhà thành một điểm nhấn thú vị trong không gian, chẳng hạn như sử dụng gạch trần.
gạch và gỗ
Gạch và gỗ được coi là cặp bài trùng trong thiết kế nhà truyền thống. Một hành lang tường gạch kết hợp với trần nhà bằng gỗ sẫm màu tạo cái nhìn mộc mạc, gần gũi mà không thô cứng.
tường gạch mộc trang trí
Chất liệu gạch mộc tạo cảm giác hài hòa, ấm áp thích hợp cho các không gian phòng khách, phòng ngủ hay phòng ăn. Tuy nhiên, chỉ cần một bức tường duy nhất là đủ. Nếu căn phòng có diện tích khiêm tốn, bạn nên sử dụng gam màu sáng cho toàn bộ các bức tường còn lại.
gạch ốp trần nhà
Gạch mộc ít khi được sử dụng để ốp trần nhà nhưng đây thực sự là một ý tưởng thú vị và độc đáo, đặc biệt với những người yêu thích phong cách hoài cổ.
sân vườn
Ngoại thất, đặc biệt là sân vườn đóng vai trò quan trọng trong nhà. Gạch trần thường được sử dụng để lót lối đi, làm tường bao giúp tôn lên vẻ đẹp của những khóm hoa, bụi cây.

Lưu ý:

- Cân nhắc lựa chọn gam màu gạch phù hợp với phong cách kiến trúc, phong cách thiết kế nhà ở và nội thất trong nhà.

- Cần chống thấm cho tường gạch trần ngay từ đầu nếu xây nhà ở những vị trí dễ thấm dột.

- Gạch mộc thông thường có chiều dài bằng 2 lần chiều rộng và bằng 3 lần chiều dày. Hãy cố gắng tận dụng đặc điểm này để khối xây được đẹp và tiết kiệm nhân công cắt gạch.

- Có thể kết hợp gạch thô với một vài vật liệu khác như đá ốp, sơn tường, kính… để không gian sống trở nên bắt mắt hơn. Bên cạnh đó, cần lưu ý, gạch thô rất kỵ ánh đèn trắng bởi chúng sẽ phá vỡ cảm giác ấm cúng, thân mật mà những bức tường gạch tạo nên.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu