KTS Phạm Thanh Truyền đã chia sẻ một số kinh nghiệm cho các chủ nhà cần để ý để tránh rắc rối sau này:
1. Các vấn đề pháp lý
Trước khi ký hợp đồng mua một căn nhà bạn nên nắm rõ tính pháp lý của ngôi nhà đó. Ngôi nhà có nằm trong vùng bị quy hoạch, có đang tranh chấp, nằm trong phạm vi mở rộng đường, giải tỏa hay không?
Về diện tích nhà, bạn cần xem sơ đồ trong giấy tờ nhà và đo đạc thực tế để đánh giá.
Nếu mua lại nhà cũ và bạn có ý định phá bỏ và xây mới, bạn nên hỏi rõ có được phép xây không, số tầng tối đa là bao nhiêu?
2. Kết cấu
Để đánh giá một ngôi nhà người ta vẫn hay dựa vào kết cấu, bạn nên nhờ đến những người có chuyên môn xem giúp. Nắm được hồ sơ thiết kế cũ là điều cần thiết. Đôi khi bê tông sàn chỉ là đúc giả, kết cấu làm đơn giản để bán. Nhiều người sau khi mua nhà tin lời người bán có thể nâng thêm vài tầng nữa nhưng thực tế lại không khả thi.
Khi xem nhà, bạn phải nhờ kiến trúc sư tư vấn với kết cấu hiện tại liệu có đáp ứng được yêu cầu của bạn không.
Ảnh minh họa
3. Hệ thống điện nước
- Đường điện: Nhiều ngôi nhà hiện đại thường sử dụng hệ thống dây thường âm tường nên khi khảo sát bạn cần chú ý một chút. Một số nhà chuyên làm ra để bán thì các hệ thống âm tường thường là vật tư rẻ tiền, công suất chịu tải vừa phải. Do vậy, bạn phải kiểm tra kỹ để không phải thay lại toàn bộ hệ thống dây dẫn.
- Cấp và thoát nước: Vật liệu sử dụng làm hệ thống là rất quan trọng, bạn có thể sẽ phải thay mới toàn bộ nếu chủ nhà cũ dùng vật tư rẻ tiền.
4. Hướng nhà, cửa sổ và bố trí bên trong
Cách bố trí cầu thang trong ngôi nhà rất quan trọng, thêm vào đó là hướng nắng, gió, bếp, phòng ngủ. Nên cân nhắc mua nhà hướng nóng, hạn chế ánh sáng tự nhiên, những căn phòng không có cửa sổ.
5. Hạ tầng cơ sở
Các vấn đề hạ tầng như mực nước thủy triều, ngập nước khi mưa lớn, tắc đường... cũng cần được quan tâm. Nhiều trường hợp mua nhà mới trong thời gian ngắn đường phía trước đã bị nâng lên, dẫn đến việc ngôi nhà không thể thoát nước khi mưa lớn.