Một thời gian dài sống ở Sài Gòn, để rồi bạn bè thường nghe anh chia sẻ những nỗi nhớ đến quắt quay với Hà Nội. Rồi mọi người lại thấy anh với “Hà Nội ngày trở về” để không còn trong anh những “nỗi nhớ mùa đông”, để anh không còn phải “mơ về nơi xa lắm”. Bởi nơi đó đang có một mái ấm, một gia đình, một ngôi nhà nhỏ xinh, giản dị, mộc mạc và sâu lắng như chính những ca từ và giai điệu mà người ta biết đến ở nhạc sĩ Phú Quang.
Người ta mệnh danh cho Phú Quang là một nhạc sĩ dung dị, ca từ thường ẩn khuất một cõi buồn khó tả mà nhiều người bảo đó là buồn sang trọng. Ngay trong vẻ ngoài của anh cũng dễ nhận một phong thái giản dị, gần gũi. Sự giản dị ấy còn được thể hiện đậm nét hơn ở chính chốn đi – về của anh hàng ngày, một tổ ấm nhỏ xinh mà khi nhìn vào đó, người ta dễ hiểu hơn ý nói: “người sao – nhà vậy”.
Với phong thái chậm rãi, điềm đạm của một nhạc sĩ từng trải, Phú Quang chia sẻ về ngôi nhà của mình: “Khi quyết định xây nhà từ mảnh đất hẹp theo kiểu nhà phố, tôi muốn kiến trúc sư phải thể hiện sao để khi ở trong không gian nội thất không có cảm giác bức bí, tù túng như mình đang ở trong nhà ống. Phải nói thêm ngôi nhà của tôi cũng chính là tác phẩm đầu tay của kiến trúc sư và cũng là một người bạn. Tinh thần của ngôi nhà được thể hiện rõ qua bản thiết kế, với bố trí không gian sống kiểu lệch tầng, dành hơn 1/3 không gian để làm sân vườn, tạo khoảng lấy sáng cần thiết cho ngôi nhà nên cảm giác nhà ống được hoá giải”.
Sự giản dị dễ nhận nhất trong ngôi nhà của Phú Quang đến từ những gam màu trang trí nội thất, với tông màu trắng xám làm chủ đạo từ sơn tường, trần nhà, đến các chi tiết sắp đặt trong nội thất toát lên vẻ hiện đại.
Cũng giống như những ca khúc mà người nghe có khi phải mất thời gian dài mới nghiệm ra cái hồn, cái đẹp, cái cảm xúc dạt dào mà Phú Quang gửi gắm trong đó, ngôi nhà của anh cũng vậy, sự giản dị đến ngay từ cái nhìn ban đầu, nhưng càng quan sát kỹ, càng thấy ở đó sự cầu kỳ một cách rất ngầm. Từ việc bố trí lệch tầng, đến các không gian sống đều được chăm chút tỉ mỉ, chẳng hạn như phòng làm việc với tổng thể đơn giản, điểm nhấn là một ô cửa tam giác gắn kính, vừa thể hiện tính mỹ thuật, tạo điểm nhấn cho kiến trúc, vừa làm nhiệm vụ đánh lừa thị giác, tạo ra một cảm giác đang ngồi trên tầng áp mái của một căn biệt thự. “Không gian làm việc với cách bố trí như ở tầng áp mái đem lại cho tôi cảm giác không bị chênh vênh, không phải đang sống trong một không gian nhà ống”, Phú Quang nói thêm về căn phòng yêu thích của mình. Phú Quang bật mí rằng ngày xưa là một học trò giỏi toán, nên làm gì cũng phải tính toán sắp đặt sao cho hợp lý, không có dáng vẻ bừa bãi, vô tư kiểu nghệ sĩ. Trong sắp đặt ở nội thất ngôi nhà cũng vậy, với anh mọi thứ phải chỉn chu, không rườm rà, và công năng sử dụng phải hợp lý. Các chi tiết trang trí, bố cục trong nội thất do chính anh và người bạn đời sắp đặt đem lại cho ngôi nhà một sự ấm cúng, hài hoà, dễ thương. Anh chia sẻ: “Tôi hợp với bà nhà ở điểm đó”.
Phú Quang cũng thích sưu tầm tranh ảnh để trang trí nhà cửa, cái được bạn bè tặng, cái do anh sưu tầm. Anh quan niệm: “Hội hoạ là người bạn chung thuỷ, càng chơi càng thấy thân. Những tác phẩm nghệ thuật là bạn, chúng không bao giờ phản bội lại mình. Hội hoạ bù cho tôi những khiếm khuyết, vì phát hiện ra khi tôi thích tranh, âm nhạc của tôi có màu sắc hơn, có chiều sâu hơn. Khi buồn hay thất vọng, thậm chí ngay cả lúc vui mỗi lần nhìn tranh lại nghiệm ra nhiều điều thú vị mà trước đó mình chưa từng phát hiện. Thưởng thức âm nhạc và hội hoạ một mình rất thích”.
Vẻ đẹp mà kiêu hãnh trong ngôi nhà của Phú Quang chính là những hiện vật gắn liền với đam mê, sở thích, và cả nghề nghiệp. Những bức tượng đồng danh nhân, nhạc sĩ, thiếu nữ, nhiều trong số ấy là những bức tượng cổ có giá trị được anh sưu tầm từ nhiều nơi để làm điểm nhấn cho các chi tiết trang trí trong ngôi nhà. Cây đàn piano đặt trang trọng ở một góc phòng khách là nơi anh giới thiệu tác phẩm mới với bè bạn, tập nhạc với ca sĩ, cũng với gam màu đơn giản để hoà thành một khối tổng thể trong trang trí nội thất cho ngôi nhà. Đúng với ý muốn của chủ nhân: “Thích những gì kiêu hãnh nhưng không diêm dúa”.
(Theo SGTT)