SearchNews

5 vật liệu thay thế để xây dựng nơi trú ẩn khẩn cấp

03/11/2020 11:36

Lũ lụt, động đất, đại dịch, xung đột... là những yếu tố thách thức các kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà quy hoạch tìm cách tạo ra các cấu trúc, cơ sở hạ tầng, nơi trú ẩn khẩn cấp phù hợp với hoàn cảnh và địa điểm xảy ra thiên tai, thảm họa. Trong đó, vật liệu xây dựng cần được quan tâm, chú trọng đầu tiên.

Khi tìm kiếm vật liệu xây dựng nơi trú ẩn khẩn cấp đáp ứng các yêu cầu cho từng tình huống thì những vật liệu được coi là "thay thế" có thể mang lại cơ hội thử nghiệm lớn và ứng dụng cho các cấu trúc nơi trú ẩn khẩn cấp. Bao bì, thùng nhựa, tre, cao su... - những vật liệu rất sẵn có với những đặc tính cơ học tốt có thể đạt được mục đích cứu trợ.

Dưới đây là 5 vật liệu thay thế đang được sử dụng trong xây dựng nơi trú ẩn khẩn cấp những năm gần đây.

1. Các tông

Nhà trú ẩn khẩn cấp làm từ các ống các tông, bìa các tông.
Nhà trú ẩn khẩn cấp làm từ các ống các tông, bìa các tông.

Shigeru Ban, kiến trúc sư người Nhật đã tham gia vào các dự án về nơi trú ẩn khẩn cấp ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Ông đã sử dụng bìa cứng làm vật liệu xây dựng từ năm 1986 khi bắt đầu thử nghiệm các cấu trúc tạm thời và bán kiên cố bằng ống các tông. Kể từ đó, nghiên cứu của ông được ứng dụng để thiết kế các gian hàng, trường học, hầm trú ẩn khẩn cấp cũng như các cấu trúc khác được làm từ vật liệu này. Kiến trúc sư đã thực hiện các bài kiểm tra tính năng trong phòng thí nghiệm và chứng minh rằng ống các tông có thể chịu được 10 megapascal (MPa) khi chịu nén và 15 MPa khi bị uốn.

Thông qua các hệ thống ghép nối, các ống các tông có thể được lắp ráp và tháo dỡ nhanh chóng - yếu tố then chốt trong các trường hợp xây dựng khẩn cấp, xây dựng nhà trú ẩn. Bìa cứng cũng được sử dụng để thiết kế đồ nội thất, chẳng hạn như giường, ghế ngồi, hệ kệ lưu trữ. Chúng được làm sẵn rồi chuyển tới địa điểm xây dựng lắp ráp.

2. Cao su

Ngôi nhà làm bằng gạch tái chế từ cao su.
Ngôi nhà làm bằng gạch tái chế từ cao su.

Cao su có thể được tái chế cho nhiều mục đích khác nhau và đã được sử dụng trong xây dựng để làm gạch. Không giống như gạch thông thường, những viên gạch tái chế từ cao su cung cấp khả năng lắp ráp nhanh chóng và định hình kiến trúc ngay lập tức. Với trọng lượng rất nhẹ, cao su giúp giảm tải trọng cho phần móng cũng như bộ khung công trình.

Các mái che được xây dựng bằng kỹ thuật này có thể duy trì trong thời gian dài nhờ độ bền cao của vật liệu khi so sánh với các loại vải không thấm nước, được sử dụng phổ biến hơn để dựng lều khẩn cấp.

3. Tre

hình ảnh ngôi nhà trú ẩn khẩn cấp làm từ tre đặt trên ruộng ngô xanh mướt
Nơi trú ẩn khẩn cấp làm từ vật liệu tre chủ yếu, có thể sử dụng trong thời gian dài.

Tre là một vật liệu rất linh hoạt và có khả năng chịu nén, uốn cong rất tốt. Loại cây này phát triển tốt ở những vùng khí hậu nóng ẩm trên thế giới. Đây là vật liệu lý tưởng cho các cơ sở tạm thời, làm khung kết cấu, tường và lợp mái. Khi xây dựng nơi trú ẩn khẩn cấp, tre mang lại những lợi ích bổ sung là lắp ráp nhanh chóng, có thể sử dụng trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, để tre trở thành vật liệu xây dựng có độ bền cao và các đặc tính cơ học vượt trội, cần phải xử lý hóa chất trước khi sử dụng, để tránh mục nát, côn trùng xâm nhập. Một mối quan tâm lớn khác của việc xây dựng nhà trú ẩn bằng tre là các cấu kiện phải được bảo vệ khỏi nắng, mưa.

4. Vật liệu tái chế in 3D

hình ảnh cận cảnh ngôi nhà in 3D với tường ngoài màu trắng xen kẽ gỗ sáng màu
Nơi trú ẩn khẩn cấp xây bằng vật liệu tái chế in 3D.

Tuy chi phí khá cao nhưng in 3D đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây và được chứng minh là một phương pháp hữu hiệu để xây dựng nơi trú ẩn khẩn cấp. Ví dụ, công ty DUS Architects của Hà Lan đã phát triển một máy in 3D di động hoàn toàn ("KamerMaker") có khả năng in toàn bộ không gian từ vật liệu tái chế.

Tuy nhiên, máy in 3D có thể đặc biệt có giá trị trong trường hợp khẩn cấp khi in các bộ phận kết nối nhỏ. Thiết kế các khớp nối để cải thiện việc lắp đặt và cho phép các mảnh vật liệu khác nhau được ghép lại với nhau có thể là một lợi thế lớn khi lắp ráp.

5. Thùng

hình ảnh đội thợ thi công xây dựng nhà trú ẩn khẩn cấp
Thùng chứa bao cát làm nền móng cho cấu trúc nhà trú ẩn khẩn cấp.

Những chiếc thùng chứa đầy bao cát để có trọng lượng lớn hơn, được sử dụng trong nhiều hầm trú ẩn khẩn cấp do Shigeru Ban thiết kế, có thể dùng làm nền nông cho cấu trúc tòa nhà. Các thùng có thể được sử dụng để giữ các vật liệu xây dựng khác được bảo vệ khỏi thời tiết (không bị ướt nếu trời mưa). 

Việc sử dụng các thùng sẽ có ý nghĩa hơn nếu chúng đã được sử dụng để cung cấp hàng hóa đến địa điểm. Trong những tình huống như thế này, tất cả các nguồn lực phải được suy nghĩ trong toàn bộ quá trình, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

Nơi trú ẩn khẩn cấp trở nên vô cùng quan trọng khi xảy ra thiên tai, địch họa với nhiều mất mát, đau buồn không tả xiết. Việc xây dựng các giải pháp phải thật cẩn thận và nghiêm túc; nên đầu tư nghiên cứu sâu rộng các vật liệu mới, vật liệu thay thế đáp ứng nhu cầu xây dựng loại hình nhà ở này.

 

Lam Giang

 

>> Có thể tái chế bê tông?

>> Vật liệu nào dễ tái chế nhất?

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu