Đã có những chân trời mở…
Theo Vụ Vật liệu Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã sản xuất 8,7 tỷ viên gạch nung và 2,64 tỷ viên gạch không nung (cả gạch nhẹ và gạch cốt liệu). Đến nay, tổng công suất thiết kế vật liệu xây dựng không nung (VLXKN) đạt 6,5 tỷ viên/tổng công suất thiết kế 24,3 tỷ viên vật liệu xây (đạt 26%). Sản lượng sản xuất VLXKN đạt gần 5,5 tỷ viên/ tổng số 23 tỷ viên vật liệu xây (đạt 24%). Mục tiêu của Chương trình 567 là đến năm 2015 tổng số VLXKN đạt 20 - 25% tổng số vật liệu xây. Như vậy công suất thiết kế đã vượt và sản lượng sản xuất đã đạt được mục tiêu đề ra của Chương trình.
Gần chục năm trước, VLXKN còn là khái niệm mơ hồ trong giới chủ đầu tư cũng như giới kiến trúc sư thiết kế công trình, thì nay, sau thời gian nỗ lực vượt khó, chinh phục người tiêu dùng, VLXKN đã có chỗ đứng trong nhóm vật liệu. Gạch không nung có ba chủng loại chính gồm: Gạch xi măng cốt liệu (còn gọi gạch block); gạch bê tông khí chưng áp AAC và gạch bê tông bọt, tuy khác nhau về thành phần nguyên liệu cũng như cách thức sản xuất, nhưng các loại sản phẩm này đều có chung ưu điểm như tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm giá thành từ 6 - 8%, giảm chi phí kết cấu nền móng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng… Hiện nhiều công trình lớn đã sử dụng thành công VLXKN này như Keangnam, Landmard Tower, Habico Tower, khách sạn Horinson, Hà Nội Hotel Plaza, làng Việt Kiều Châu Âu…
Tòa nhà Keangnam được xây bằng gạch không nung
“Nút thắt” cần tháo gỡ…
Quan điểm của chủ đầu tư, các kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng về VLXKN đã thay đổi, VLXKN đã dần có chỗ đứng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Tú - Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Thông minh SmartBuild, hiện dòng sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp ACC đang gặp khó trong tiêu thụ do trong quá trình thi công không tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất, thi công không đúng quy trình, kỹ thuật nên dẫn tới sự cố như nứt tường, tường bở, thấm…
Gạch bê tông khí chưng áp (hay còn gọi là gạch) được sản xuất từ cát (hoặc tro bay), vôi, thạch cao, xi măng, bột nhôm, có nhiều tính năng như cách âm, cách nhiệt, chống cháy, không ô nhiễm, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe con người và sản phẩm có thể tái chế để tái sử dụng. Gạch ACC nhẹ hơn 2 - 3 lần gạch đất nung, nhờ kết cấu xốp nên cách âm cách nhiệt tốt nên tiết kiệm năng lượng hiệu quả gấp 4 - 8 lần so với gạch đất nung, chịu được nhiệt độ lên tới 10000C, không độc hại khi cháy và khi sản xuất. ACC có nhiều kích thước để lựa chọn, dễ dàng khoan cắt, bào nhẵn bằng các dụng cụ thi công công. Đặc biệt mạch vữa mỏng giúp giảm tổng 25% chi phí xi măng, thép, đặc tính cách âm cách nhiệt cao giúp tiết kiệm 30% chi phí năng lượng. “Nếu so giá thành hai viên gạch: Gạch đỏ (gạch nung) và gạch bê tông khí chưng áp (gạch không nung) thì giá thành gạch đỏ rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu so về tổng giá trị công trình thì công trình dùng gạch bê tông sẽ rẻ hơn từ 10 - 20% so với gạch đỏ, vì nó giảm chi phí cho kết cấu nền móng, kết cấu khung dầm, vữa chát, công xây…
Nhiều tính năng vượt trội nhưng chính kỹ thuật thi công chưa đúng đang là rào cản đáng kể để gạch ACC phát triển sâu rộng hơn. Hiện toàn quốc có 22 doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch ACC lập dự án đầu tư, trong đó 9 nhà máy đã đi vào sản xuất, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng nhưng gạch ACC có sức tiêu thụ kém hơn so với gạch cốt liệu.