SearchNews

Giá cát TP.HCM tăng vùn vụt

21/04/2017 14:29

Giá cát ở các vựa lớn dọc sông Sài Gòn tăng khoảng 50% so với thời điểm này năm ngoái.

Khoảng một tháng nay, giá cát xây dựng trên địa bàn TP.HCM bất ngờ tăng vọt. Chủ thầu các công trình xây dựng, nhất là công trình nhà ở cho biết với chiều hướng tăng giá cát hiện nay, giá thành xây dựng chắc chắn cũng sẽ tăng theo.

Vựa đầy cát nhưng giá vẫn tăng

Vào những ngày giữa tháng 4, trước thông tin giá cát xây dựng ở địa bàn TP.HCM bị đẩy lên cao, chúng tôi đến nhiều vựa cát lớn dọc sông Sài Gòn nhưng không thấy có dấu hiệu thiếu cát. Trên sông Sài Gòn, sà lan chở cát từ miền Tây về TP.HCM vẫn hoạt động nhộn nhịp như mọi khi.

Sáng 18-4, chúng tôi ngồi quan sát nhiều giờ liền tại một vựa cát gần cầu vượt Bình Phước (phường An Phú Đông, quận 12) và nhận thấy hoạt động mua bán cát vẫn diễn ra rất nhộn nhịp, xe chở cát ra vào không ngớt. Lúc này phía bờ sông có đến hai chiếc sà lan lớn bơm cát lên bãi. Trên bãi, nhiều chiếc xáng cạp, xe xúc hối hả đưa cát lên xe tải, tỏa đi các nơi. Dù vậy trên bãi vẫn còn hàng chục đống cát chất cao cả chục mét, khu vực chứa cát rộng bằng mấy sân bóng đá ghép lại.

Cách đó một đoạn ngắn, một vựa cát khác cũng hoạt động nhộn nhịp không kém, cát từ sà lan được đưa về bãi cũng chất cao chót vót trên khoảnh đất rộng cả ngàn mét vuông. Trong vai khách hàng, chúng tôi đến hỏi mua cát với số lượng lớn để xây nhà cao tầng, chủ bãi nói cát không thiếu nhưng giá cát tăng cao so với trước. “Giá cát san lấp lúc trước chỉ 100.000 đồng/m3, giờ tăng lên 150.000 đồng/m3 (tăng 50% - PV). Cát bê tông (cát xây) lúc trước 300.000 đồng/m3, giờ tăng lên 450.000 đồng/m3 (tăng 50% - PV). Nếu trộn chung hai loại cát này lại, chúng tôi bán với giá 300.000 đồng/m3” - chủ vựa cát báo giá.

Chúng tôi thắc mắc vì sao cát từ các nơi đưa về TP.HCM vẫn còn nhiều nhưng giá cát lại bị đẩy lên cao, chủ vựa cát phân bua: “Sau khi Chính phủ có chủ trương hạn chế khai thác cát và dừng các dự án nạo vét tận thu cát thì nguồn cung họ đẩy giá lên cao, do đó chủ bãi cát ở TP.HCM cũng bắt buộc phải tăng giá lên. Tiếp đến cát đưa về các cửa hàng vật liệu xây dựng lại tăng thêm lần nữa. Chỗ tui tăng ít chứ nhiều nơi họ tăng giá gấp đôi”.

giá cát tăng do đâu
Hoạt động mua bán cát ở các vựa cát dọc sông Sài Gòn vẫn diễn ra
nhộn nhịp. Ảnh: KB
 
vì sao giá cát tăng
Vận chuyển cát bằng xe ba gác đến khách hàng ở TP Cần Thơ. Ảnh: KH

Giá xây dựng sẽ tăng theo

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Xây dựng Hưng Thịnh Phúc, quận Tân Bình (TP.HCM), cho rằng tình trạng tăng giá cát như hiện nay sẽ làm giá thầu xây dựng tăng theo, nhất là đối với công trình nhà ở dân dụng. “Hiện nay, do nhiều nhà thầu thực hiện theo các hợp đồng từ đầu năm nên chưa thể tăng giá. Nhưng với chiều hướng giá cát tăng vùn vụt như hiện nay thì chắc chắn giá thầu xây dựng phải tăng lên” - ông Hưng nhận định.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, ông Hưng cho rằng lượng cát cung cấp cho địa bàn TP.HCM hiện nay chưa có dấu hiệu thiếu hụt, do đó nhiều khả năng các nhóm buôn cát lấy lý do Chính phủ hạn chế khai thác cát để đẩy giá lên cao. “Có hai nguồn cát lớn cung cho thị trường xây dựng ở TP.HCM, đó là cát sông Đồng Nai và cát từ miền Tây. Cát sông Đồng Nai dùng xây dựng rất tốt nhưng gần đây nguồn cát này không còn nhiều. Do đó cát san lấp và cát xây dựng cung cấp cho địa bàn TP.HCM chủ yếu từ miền Tây. Muốn biết cát có thiếu hụt hay không thì phải có những khảo sát điều tra về nguồn cung cấp này” - ông Hưng giải thích.

“Cát mắc bằng đá”

Để có câu trả lời vì sao giá cát tăng, PV Pháp Luật TP.HCM đã tìm đến một vài doanh nghiệp kinh doanh cát ở miền Tây. Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Võ Tấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Phan Thành, TP Cần Thơ. Ông Dũng cho biết: Trong thời gian gần đây, tại khu vực ĐBSCL nguồn cung cát xây dựng có giảm hơn so với trước, do đây là thời điểm có nhiều công trình xây dựng và một khối lượng lớn cát tại ĐBSCL được vận chuyển lên các tỉnh Đông Nam bộ và TP.HCM để tiêu thụ. Cũng theo ông Dũng, thời điểm hiện nay giá cát xây dựng ở ĐBSCL có nhích lên so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chị Hương, chủ doanh nghiệp VLXD Thanh Hương, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Giá cát bị dao động quá trời. Chúng tôi cố gắng để có giá tốt nhất chứ giá mắc thì khách hàng không đến”. Cũng theo chị Hương, năm nay cát có dấu hiệu khan hiếm nên giá thị trường so với năm rồi cao hơn rất nhiều, khoảng 7%.

Khi PV hỏi nguồn cung cát để doanh nghiệp tiêu thụ từ đâu, chị Hương cho biết: “Thường thì mua ở Tân Châu, An Giang. Nay nhiều khi không lấy tới Tân Châu mà chỉ tới Bắc Năng Gù, Long Xuyên thôi”. Chị Hương giải thích cát khan hiếm vì các địa phương cấm khai thác nhiều quá. Mặt khác, hiện nay do ngoài Bắc bị cấm khai thác cát nên trong Nam bị ảnh hưởng. Phần do Singapore đổ qua đây mua cát về lấp biển, thành ra giá cát mới biến động như vậy.

“Tại sông Hậu cũng có xáng cạp múc cát nhưng ít, giờ cán bộ tài nguyên môi trường kiểm tra chặt chẽ hơn; lượng sà lan, lượng tàu bao nhiêu họ đều biết nên bị khống chế ở cái đường đó. Do đó cát vẫn có nhưng mà khó khăn, giờ ở TP.HCM 500.000 đồng/m3 mà vẫn không có cát để bán. Mắc bằng đá” - chị Hương phân trần.

Chủ doanh nghiệp VLXD Tấn Thịnh, TP Cần Thơ cũng cho biết giá cát tăng nhưng không có để tiêu thụ. “Không có năm nào như năm nay, cạp cát từ mỏ của doanh nghiệp mà không đủ để cung ứng thị trường. Nguồn cung cát xây dựng hiện phải lấy xa tận Tân Châu - An Giang” - vị chủ doanh nghiệp nói.

Đà Nẵng: Người bán nói ổn, người mua nói tăng

Theo anh Nguyễn Ngọc Trường, nhân viên Công ty Bảo Nguyên, xã Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, chuyên kinh doanh cát xây dựng, do nguồn cung ổn định nên giá cát tại công ty không có biến động. Cụ thể, mỗi ngày công ty bán 150 khối cát, giá bán dao động 100.000-110.000 đồng/khối tùy loại. “Cát được chúng tôi mua từ thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Một ngày chúng tôi mua khoảng 15 xe, mỗi xe chở khoảng 15 khối cát với giá 1,4 triệu đồng/xe. Từ năm ngoái đến giờ giá cát vẫn ổn định” - anh Trường cho biết thêm.

Thế nhưng ông Nguyễn Văn Thành, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, thì nói giá cát đã tăng cách đây hai tháng. “Cách đây hai tháng, giá cát là 130.000 đồng/khối, thế nhưng hiện các chủ xe bán cho gia đình tôi là 160.000 đồng/khối. Chúng tôi xây nhà để ở, giá cao thì cũng phải chấp nhận chứ biết răng chừ” - ông Thành nói.

Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế: Giá ổn định

Tại Thừa Thiên-Huế, ghi nhận tại bãi cát Cầu Tuần, nơi cung cấp cát xây dựng chủ yếu cho nhiều cơ sở ở TP Huế thì giá cát trong thời gian gần đây vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Khánh, trú phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế, công nhân bãi cát, cho biết: “Giá cát xây dựng được chia làm nhiều loại, cát tô nhà có giá 80.000 đồng/m3, cát để xây dựng, đổ bê tông có giá khoảng 100.000-120.000 đồng. Giá này ổn định như thế từ đầu năm đến nay”.

Tại Quảng Trị, bà Nguyễn Ngọc Lê, chủ một cơ sở VLXD tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, cho biết giá cát ổn định từ trước đến nay. “Khi nào có người đến mua cát xây dựng, chúng tôi sẽ gọi cho bãi cát trên địa bàn để mua lại với giá 80.000-120.000 đồng/m3 để bán cho người dân” - bà Lê cho biết.

N.TRI - N.DO

Giá cát bán tại TP Cần Thơ

Cát to Tân Châu: 125.000-135.000 đồng/m3.

Cát tiêu chuẩn 1.5-1.8: 210.000-255.000 đồng/m3.

Cát tiêu chuẩn 2.0-2.2: 255.000-290.000 đồng/m3.

Cát vàng xây tô: 120.000-145.000 đồng/m3.

Cát vàng đã sàng rửa: 210.000-285.000 đồng/m3.

Cát nền: 110.000-125.000 đồng/m3.

___________________________

Sau khi Chính phủ có chủ trương hạn chế khai thác cát, cát thu mua tại các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp bất ngờ tăng lên. Giá cát san lấp tăng khoảng 30.000 đồng/m3, cát xây tăng khoảng 70.000 đồng/m3 so với trước đây.

Ông Đ., chủ sà lan chở cát từ miền Tây cung cấp cho TP.HCM

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu