Đặc biệt, lượng thép nhập khẩu trong năm 2015 đã tăng thêm 3,55 triệu tấn so với năm ngoái. Nếu trừ kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD của các doanh nghiệp trong nước và FDI thì mức nhập siêu của ngành thép vẫn đạt trên 7 tỷ USD. Trong 3 năm qua, đây là mức nhập siêu lớn nhất.
Trước thực trạng trên, VSA kiến nghị cơ quan chức năng cần có các biện pháp tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép Trung Quốc sau khi nhập khẩu vào Việt Nam cũng như có giải pháp kiểm soát lượng thép Trung Quốc nhập khẩu.
Một cơ sở sản xuất thép ở Hà Nội. (Nguồn ảnh: Hồng Vĩnh).
Đối với việc thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Công Thương, gần đây đang có dấu hiệu thép Trung Quốc lấy xuất xứ từ Việt Nam sau đó xuất khẩu sang EU để được hưởng ưu đãi về thuế.
Bộ Công Thương cho biết, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (Tp.HCM), Công ty TNHH Quốc Việt (Long An) có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép có xuất xứ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Cơ quan này đã yêu cầu VCCI và Tổng cục Hải quan làm rõ trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho các sản phẩm thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, có biện pháp xử lý các cá nhân và công ty có liên quan.
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành cho hay, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt từ nay đến năm 2018 chính là việc chúng ta phải loại bỏ thuế quan đối với 7% dòng thuế nhạy cảm (400 dòng thuế) áp dụng cho các ngành nghề khác nhau.
Theo kết quả khảo sát gần đây, trong thời gian qua có những mặt hàng Việt Nam tuy được hưởng mức bảo hộ rất cao bằng cả biện pháp thuế và phi thuế nhưng không cải thiện được năng lực cạnh tranh... Do đó, trong thời gian tới các doanh nghiệp như thép, sắt, ôtô sẽ đối mặt với khó khăn và Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế.