Theo Quyết định mới ban hành của Bộ Công Thương thì mức thuế đối với phôi thép tăng từ 10% lên mức 23,3%, thép dài (thép cuộn và thanh) đang chịu thuế nhập khẩu 0%-5% tăng lên 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung… Chính sách này có lợi cho doanh nghiệp thép trong nước và làm tăng giá thép nhập khẩu.
Thép sẽ tiếp tục tăng giá trong tháng 3 (ảnh minh họa)
Một số doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này cho biết, phôi thép là nguyên liệu chiếm 85% tổng chi phí đầu vào sản xuất thép, vì vậy việc áp thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ đẩy giá phôi tăng, kéo theo giá thép trên thị trường tăng, người tiêu dùng chính là đối tượng chịu thiệt thòi.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ theo tăng cao, bằng chứng là sản lượng tiêu thụ thép trong tháng 2 tăng đến 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng bán sản phẩm thép các loại trong tháng 2/2016 đạt gần 920.000 tấn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2015. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại tháng 2 này cũng đạt gần 180.000 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, giá thép thế giới cũng đã có sự nhích lên, đặc biệt là thép Trung Quốc. Trước đó, cả năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu một lượng thép lớn với giá rẻ và chấp nhận lỗ đến 15 tỉ USD. Thế nhưng, đầu năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã giảm sản lượng khiến giá thép tăng từ sau Tết Nguyên đán.
Từ những yếu tố trên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo giá thép trên thị trường trong nước có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong những ngày tới, nhưng chỉ tăng giá nhẹ, không tăng cao đột biến.