SearchNews

Thị trường vật liệu xây dựng Tp.HCM khởi sắc

12/01/2014 08:49

Với sự khởi khắc của thị trường địa ốc, hàng loạt dự án cũ tái khởi động, nhà ở được xây mới, nhiều công trình nhà ở riêng lẻ của người dân được khởi công xây dựng trong năm 2016, giúp giá tăng mức tiêu thụ của vật liệu xây dựng (VLXD).

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, ông Đỗ Phi Hùng, năm vừa qua, TP đã  xây mới được 8,5 triệu m2 sàn nhà ở, so với kế hoạch tăng 8 triệu m2; số lượng công trình nhà ở cũng được cấp phép đạt kỷ lục với trên 60.000 giấy phép xây dựng… Nhờ đó, nhu cầu VLXD như sắt thép, gạch, xi măng, vật liệu trang trí nội thất đều trong giai đoạn tăng trưởng khá tốt về sản lượng tiêu thụ.  Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2016 toàn ngành thép sản xuất được 8,5 triệu tấn thép xây dựng, so với năm trước tăng 18,3%, tiêu thụ được khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 20,6% so với năm 2015.

Điểm nổi bật trong năm qua là tốc độ tăng trưởng thép xây dựng (mặt hàng chiếm tỷ trọng tới gần 50%) đạt mức cao, Hiệp hội Thép đánh giá. Các mặt hàng thép cuộn cán nguội, tôn mạ và ống thép hàn cũng đạt tăng trưởng cao. Thế nhưng, do ngành thép Việt Nam phát triển chưa đồng bộ giữa các khâu, nhất là thép cuộn cán nóng (HRC) và các loại thép hợp kim chưa sản xuất trong nước nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng rất lớn nguyên liệu và bán thành phẩm.

Trong năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu ngành thép ước đạt 9,1 tỷ USD. Trong đó, phôi thép nhập khẩu 1,1 triệu tấn; tôn mạ và sơn phủ màu nhập khẩu 1,86 triệu tấn, so với năm 2015 tăng 30,7%; thép hợp kim nhập khẩu 8,17 triệu tấn... Tuy nhiên, các sản phẩm này Việt Nam có đủ khả năng sản xuất. Ngành thép Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017, nhưng sẽ không cao như năm 2016, chỉ ở mức 12%. Các loại sản phẩm thép sẽ có tốc độ tăng trưởng khác nhau, cụ thể: Thép xây dựng ước tăng 11%, thép ống hàn 15%, thép lá cuộn cán nguội 13%, tôn mạ và sơn phủ màu 12%.

vật liệu xây dựng Tp.HCM
Thị trường vật liệu xây dựng Tp.HCM hồi sinh nhờ sự phát triển của thị
trường bất động sản.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ông Nguyễn Quang Cung cho hay,  nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2016 khoảng 60 triệu tấn, từ nay đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước ước tính khoảng từ 80-82 triệu tấn. Theo vị này, do nguồn cung ngày càng nhiều vì quy hoạch không sát với năng lực tiêu thụ thị trường nên xi măng có thể bắt đầu dư cung từ năm 2017.

Trong khi đó, theo Kỹ sư Nguyễn Hữu Cung, Giám đốc Công ty TNHH Cung Khang, những tháng cận Tết là thời điểm nóng nhất của hàng trang trí nội thất nhà ở. Lý do là, tâm lý người Việt không muốn công trình nhà ở kéo dài hai năm mà phải kết thúc trong một năm. Vì thế, dù vật tư sau Tết có thể rẻ hơn nhưng chủ nhà vẫn muốn mua để hoàn thiện trước Tết. Chủ một cửa hàng kinh doanh VLXD trên đường Trường Chinh, ông Bình chia sẻ, những tháng cận Tết cửa hàng ông giao hàng từ sáng sớm tới tối mịt mới xong. Khách hàng chủ yếu đặt mua các sản phẩm, thiết bị hoàn thiện như bồn cầu, gạch lát, gạch ốp tường…

Khảo sát tại một số tuyến đường chuyên bán VLXD, trang trí nội thất như Tô Hiến Thành, Thành Thái, Lý Thường Kiệt cho thấy, việc mua bán vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Theo một nhân viên cửa hàng Mao Trung, các loại gạch lát, ốp tường Trung Quốc đang chiếm áp đảo do giá rẻ, hàng đẹp và phong phú về chủng loại. Đơn cử, gạch lát nền quy cách 60x60 có xuất xứ từ Trung Quốc thường rẻ hơn một số sản phẩm trong nước như Đồng Tâm, Hoàng Gia, Bạch Mã,… từ 30.000-50.000 đồng/m2. Tương tự, các mặt hàng bồn rửa mặt, bồn cầu, vòi nước cũng đang cạnh tranh khốc liệt về giá.

Qua tìm hiểu được biết, hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu một số mặt hàng từ nước ngoài về rồi làm thương hiệu (bằng cách gia công thêm một số công đoạn), sau đó xây dựng các chương trình khuyến mại rồi đưa ra thị trường, chiết khấu cho hệ thống bán lẻ lên tới 30%. Các mặt hàng nội thất năm nay bán khá chạy, so với năm trước mức giá có tăng nhưng không đáng kể do có quá nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này nên phải cạnh tranh về giá cả lẫn chế độ hậu mãi.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu