Hiện nay, gạch Granite chất lượng cao đang dần thay thế gạch Ceramic.
Ảnh minh họa.
Tổng quan về thị trường gạch ốp lát
Trên thị trường hiện có 4 loại gạch ốp lát chính, gồm: Gạch Cotto, gạch Porcelain, gạch Ceramic và gạch Granite. Gạch Cotto là một loại gốm không phủ men với nguyên liệu chính là đất sét, được nung ở nhiệt độ cao 1160~1200oC. Loại gạch này màu đỏ đất nung, được sử dụng để lát sàn, lát sân vườn những công trình kiến trúc giả cổ. Nhu cầu gạch cotto là thấp nhất trong số các loại gạch ốp lát do nhu cầu sử dụng không rộng rãi. Trong các công trình xây dựng hiện nay, 3 loại gạch ốp lát phổ biến thường được sử dụng là gạch Ceramic, Porcelain và Granite. Trong đó, gạch men Ceramic là loại gạch lát truyền thống, được sử dụng tại Việt Nam từ hàng chục năm nay. Trong khi đó, gạch Granite mới bắt đầu xuất hiện trên 10 năm trở lại đây. Loại gạch này được coi là một loại đá nhân tạo, Granite có độ bền vượt trội so với Ceramic. Còn gạch Porcelain (xương bán sứ) là sản phẩm đứng giữa Granite và Ceramic.
Một số điểm khác nhau cơ bản giữa gạch Granite và Ceramic.
Thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam
Sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam là một trong số ít các ngành công nghiệp vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới. Hiện tổng công suất đạt tới 500 triệu m2/năm, xếp thứ 6 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á. Riêng gạch sản xuất Granite hiện công suất còn khiêm tốn, hơn 60 triệu m2/năm.
Các nhà máy sản xuất gạch ốp lát nằm trải khắp cả nước nhưng tập trung phần lớn ở khu vực phía Bắc do đây là khu vực có trữ lượng lớn các nguyên liệu sản xuất xương gạch như tràng thạch, đất sét và thuận lợi để nhập khẩu các phụ gia, nguyên liệu men từ Đài Loan, Trung Quốc.
Ngoài các doanh nghiệp nội địa như Viglacera, Thạch Bàn, CMC, Đồng Tâm,... còn có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài như Taicera, Prime, Bạch Mã,... cùng với các Công ty tư nhân mới được thành lập không lâu nhưng có năng lực sản xuất rất lớn như Catalan (18 triệu m2/năm), Vitto (36 triệu m2/năm), Toko (15 triệu m2/năm), Tasa (24 triệu m2/năm),...