Theo số liệu thống kê, nhu cầu sử dụng cát khoảng 92 triệu m3 trong năm 2015. Song, với tốc độ xây dựng ngày một gia tăng, nhu cầu sử dụng cát sẽ tăng tới 130 triệu m3 vào năm 2020. Tổng tài nguyên cát của Việt Nam khoảng 2,3 tỷ m3, chỉ đáp ứng được 60 - 65% nhu cầu của các thành phố lớn.
Việt Nam có nguy cơ phải nhập khẩu cát xây dựng. (Ảnh minh họa).
Trước nạn "cát tặc" hoành hành trong thời gian qua, cơ quan chức năng các địa phương đã vào cuộc kiểm soát gắt gao. Do nhu cầu sử dụng tăng trong khi nguồn cung khan hiếm khiến giá thành của cát xây dựng tăng cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản phẩm bất động sản mà người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất.
Các chuyên gia nhận định, hiện cát tự nhiên phục vụ xây dựng không đủ đáp ứng tốc độ xây dựng và đô thị hóa. Tuy vậy, việc khai thác cát không kiểm soát được sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên để đảm bảo sự bền vững về lâu dài của thị trường này.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã nhận được công văn của Công ty TNHH Một thành viên SX-TM-DV Hải Yến, Công ty TNHH Đầu tư Tây Nam Việt Nam, Công ty TNHH Linh Giang đề nghị hướng dẫn nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Việt Nam. Gần đây, nhu cầu sử dụng cát xây dựng ở một số tỉnh Nam bộ ngày càng tăng nhưng nguồn cung ngày một hạn chế. Áp lực cân đối cung cầu cát xây dựng đối với các tỉnh Nam bộ sẽ được giảm bớt nếu nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia.
Về việc nhập khẩu cát, Bộ Xây dựng yêu cầu, cát xây dựng nhập khẩu phải đáp ứng chất lượng cát xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam. Cùng với đó, việc xuất nhập khẩu cát xây dựng phải tuân thủ quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, Campuchia và tránh tái xuất sang nước thứ ba.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên -Môi trường, Bộ Tài chính cho ý kiến về đề xuất việc nhập khẩu cát xây dựng nêu trên của các doanh nghiệp để giảm bớt áp lực cân đối cung cầu cát xây dựng hiện nay.