Dự án The Southern Dragon được đổi tên thành Oriental Plaza. Ảnh: Nguyên Vũ.
Công trường ngổn ngang, mất an toàn
Dự án được phê duyệt xây dựng với tên gọi là Khu Căn hộ và Trung tâm Thương mại Đông Phương. Năm 2015, dự án này được chào bán trên thị trường với cái tên “mỹ miều” - Khu Căn hộ The Southern Dragon. Dù được rao bán rầm rộ nhưng với quy mô 1.136 căn, các căn hộ có diện tích từ 74 - 106m2 vẫn còn 210 căn chưa bán được. Mới đây, dự án này tiếp tục đổi tên thành Oriental Plaza.
Theo hợp đồng mua bán giữa Công ty Sơn Thuận và ông Nguyễn Xuân Quy (chồng) cùng bà Vũ Thảo Vân (vợ) vào tháng 3/2017, căn hộ có diện tích 77,1m2 trị giá hơn 1,9 tỷ đồng, giao hoàn thiện và bên bán phải bàn giao căn hộ chậm nhất là tháng 5/2017. Mọi việc đang tốt đẹp thì xảy ra bất đồng khi bà Vân xin phép chủ đầu tư vào thi công nội thất căn hộ của bà mua tại dự án này.
Theo bà Vân, Công ty Sơn Thuận đồng ý cho gia đình bà vào để thi công nội thất của căn hộ. Tuy nhiên, sáng ngày 22/4, lúc người nhà đang thi công thì chủ đầu tư huy động người lên đòi khiêng đồ đạc vật dụng trong nhà ra, không cho thi công. Bà Vân cho biết thêm, người của chủ đầu tư còn “đe dọa” sẽ thanh lý hợp đồng lấy lại căn hộ và không bán cho bà nữa.
“Phía chủ đầu tư không đưa ra lý do thỏa đáng và hành xử như vậy là xem thường khách hàng”, bà Vân nói trong bức xúc.
Trước vấn đề trên, trao đổi với ông Bùi Minh Châu, Giám đốc Công ty Sơn Thuận chúng tôi được biết, lý do là “người trong gia đình đó có hành vi mang tính côn đồ, không hòa nhã, đồ đạc để lung tung bừa bãi trước cửa nhà và gây ồn ào”. Ông Châu nói với phóng viên là sẽ thanh lý hợp đồng với căn hộ này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hạng mục của dự án vẫn đang trong quá trình thi công, mặc dù siêu thị BigC ở tầng dưới đã đi vào hoạt động nhưng không hề có lưới chắn để tránh vật liệu xây dựng rơi xuống. Thực tế, chiếc ô tô của bà Vân đỗ bên dưới dự án đã bị vỡ kính dù chưa biết nguyên nhân.
Chiếc ô tô bị vỡ kính tại dự án Oriental Plaza. Ảnh: Nguyên Vũ
Một cư dân cho biết: “Hiện nay tôi đã chuyển đến ở, dù khói bụi và lộn xộn một chút nhưng không sao, nhận nhà ở là vui rồi”.
“Nhiều hạng mục vẫn đang thi công, nhiều nhà thi công nội thất ồn ào đến 9 giờ đêm, hầu như tầng nào cũng đã có người dọn tới ở”, một công nhân tại dự án nói.
Công trường đang thi công nhưng người vào ra liên tục không có bảo hiểm.
Ảnh: Nguyên Vũ
Hệ thống báo thoát hiểm. Ảnh: Nguyên Vũ
Chủ đầu tư tính đơn phương chấm dứt hợp đồng
Trở lại với việc chủ đầu tư đòi lại nhà, thanh lý hợp đồng, bà Vân cho rằng hành động này của chủ đầu tư chẳng khác nào trò chơi “con nít”. Bà Vân cho biết bà rất bức xúc vì cách hành xử thiếu văn minh của chủ đầu tư.
Trong khi đó, Giám đốc Bùi Minh Châu của Công ty Sơn Thuận cũng không ngần ngại cho biết: “Tôi sẽ thu hồi lại căn hộ này và chấp nhận hầu tòa nếu có”.
Phân tích về trường hợp trên, luật sư Trần Thái Bình, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: Vì đây chưa phải căn hộ được bàn giao chính thức nên về mặt sở hữu thì căn hộ là của khách hàng song vẫn thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư. Quản lý ở đây có thể hiểu là để chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục cơ bản theo đúng với hợp đồng trước khi bàn giao cho khách hàng như điều khoản quy định tại hợp đồng mua bán.
“Chủ đầu tư có thể không cho chủ căn hộ thi công vì gây ồn ào, không đảm bảo an toàn... tuy nhiên không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lấy lại nhà như cách nói của đại diện chủ đầu tư. Việc này là sai. Tự ý đuổi, thu dọn đồ đạc của chủ căn hộ đã mang tới thì họ có quyền yêu cầu bồi thương thiệt hại nếu xảy ra mất mát hoặc hư hỏng. Mặc dù khi chưa chính thức bàn giao nhà thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu khách hàng ra khỏi nhà và ngưng thi công nội thất, nhưng phải gửi văn bản thông báo phù hợp nội quy, quy định của pháp luật chứ không phải muốn yêu cầu khách hàng đi là đi ngay”, luật sư Bình nói.
Theo luật sư Bình, chủ đầu tư không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu khách hàng không vi phạm, khi chủ đầu tư vẫn cương quyết chấm dứt thì phải bồi thường cho khách hàng. Ngoài ra, khoản bồi thường theo quy định tại hợp đồng mà khách hàng đã ký kết thì khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường các thiệt hại phát sinh.
Ví dụ, có thể hợp đồng quy định bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bị phạt 20% tổng giá trị tài sản, căn hộ 2 tỷ đồng thì chủ đầu tư đóng phạt 400 triệu đồng. Khi ra tòa, chủ đầu tư không chỉ phải trả lại 2 tỷ đồng cùng 400 triệu tiền phạt mà còn phải bồi thường các khoản thiệt hại phát sinh từ khách hàng nếu khách hàng chứng minh được là có lý. Nói tóm lại việc chủ đầu tư đe dọa đơn phương chấm dứt hợp đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần phải dựa trên những quy định của pháp luật, khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi chứ không phải chủ đầu tư muốn làm gì thì làm.