Chi phí này được đưa ra dựa trên kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC.
|
Cần tới 63 triệu USD để mua tàu vận hành trên đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phương Sơn |
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông trong quá trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch đã kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh các hạng mục đoàn tàu, thiết bị nhập khẩu của hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC), thực hiện dựa trên đơn giá theo như giá hợp đồng mà Chính phủ đã phê duyệt.
Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cũng cho biết, thời giá dự toán của đoàn tàu là mức giá phi thị trường, mức giá chưa được định tại thị trường Việt Nam. Từ đó, Cục đã kiến nghị Bộ Giao thông phê duyệt chi phí trên dựa theo cơ sở Chứng thư thẩm định giá từ AASC.
Riêng chi phí bảo hiểm cho việc vận chuyển đoàn tàu về đến chân công trình theo dự toán đã gần 4 triệu USD. Mức chi phí này được Cục quản lý chất lượng công trình xây dựng đánh giá là phù hợp với quy định ở thời điểm hiện tại.
Ban Quản lý dự án đường sắt trước đó cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin phép phê duyệt dự toán cho việc mua đoàn tàu với 2 phương án cụ thể:
Phương án thứ nhất: Giá trọn gói , đưa đoàn tàu về đến chân của công trình là 63,2 triệu USD. Mức phí này được đưa ra dựa trên cơ sở so sánh và xem xét giá trị của đoàn tàu do Tổng thầu lập dự toán, giá trị thẩm tra của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và giá trị dự toán sau khi đã sửa các sai sót.
Phương án thứ 2: Giá trị dự toán đoàn tàu được lập dựa trên cơ sở của tổng mức đầu tư là 51,7 triệu USD, trong đó, hơn 47 triệu USD là chi phí để mua sắm đoàn tàu và 4,7 triệu USD là chi phí dự phòng.
Song, đến nay, Ban Quản lý dự án đường sắt vẫn chưa lựa chọn phương án nào để trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Bởi, đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành một gói thầu mua sắm tàu đường sắt trên cao và việc dự toán cũng hết sức phức tạp.
Được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1,435m, chiều dài khoảng 13,5 km, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thực hiện điện khí hoá, theo tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế của Trung Quốc, có thể chịu được dư chấn của động đất đến cấp 8.
Dự kiến, tuyến đường sắt sẽ cơ bản hoàn thành phần hạ tầng và đưa vào sử dụng thử một số đoàn tàu vào cuối năm 2015. Đến tháng 3/2016, dự án sẽ được hoàn tất và chính thức được đưa vào sử dụng.