Chuyê%3ḅn tưởng như đùa nhưng là có thâ%3ḅt xảy ra tại dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ công cộng Sakura Tower tại số 47 phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa lập biên bản xử phạt chủ đầu tư công trình tổ hợp Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng, Hà Nội, 500 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất cho hành vi xây dựng không phép.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, làm thế nào mà chủ đầu tư lại có thể xây dựng một tòa nhà đồ sộ tới tầng thứ 21 mới bị phát hiện và xử phạt?
Công trình 21 tầng này là tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại khởi công từ cuối năm 2009 tại 47 phố Vũ Trọng Phụng (P.Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội), có tổng diện tích đất hơn 2.668 m2, diện tích đất xây dựng là 1.288 m2 tương ứng mật độ xây dựng đến 48,2%, chiều cao tòa nhà là 86,4 mét. Sau hơn 1 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành phần thô và đang dừng... chờ cấp phép xây dựng.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 11.3.2010, Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công công trình do không có giấy phép xây dựng.
Cơ quan này, tiếp tục có 2 lần kiểm tra nữa và ra quyết định đình chỉ thi công công trình vào các ngày 3.12.2010 và ngày 23.3.2011 nhưng hoàn toàn không có hiệu lực.
Công trình vẫn được thi công xây dựng bình thường, để đến 14.7.2011, khi Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân “bất lực” gửi văn bản “cầu cứu” Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội thì công trình đã hoàn thành xây thô đến tầng 21 (?).
Ngày 25.7.2011, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt chủ đầu tư (Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn) 500 triệu đồng và phạt nhà thầu thi công (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng VINACONEX- ALPHANAM) 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư một mặt nộp phạt, một mặt vẫn tiếp tục thi công (?).
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, ông Phạm Gia Yên, khẳng định: Việc để công trình xây dựng không phép trên địa bàn, trách nhiệm chính là của chính quyền địa phương. Theo ông Yên, để một công trình xây dựng đồ sộ như Sakura Tower xây dựng không phép là điều khó chấp nhận, vì bất kỳ lý do gì.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Trịnh Bá Uy, Chánh Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân, mặc dù khẳng định: “Theo pháp luật, công trình xây dựng phải có giấy phép”, nhưng lại đồng thời biện minh: “Trong trường hợp Sakura Tower xây dựng khi chưa được cấp phép, không có nghĩa là không có phép hoàn toàn vì công trình đã được cấp giấy phép cho thi công phần móng”.
Cũng theo ông Chánh Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân, lý do Sakura Tower chưa được cấp phép vì ở thời điểm đó, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tức là chưa nộp phí sử dụng đất. Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn có sự linh động để chủ đầu tư tiến hành thi công phần móng. Sau đó, trong thời gian chờ giấy phép, đơn vị này tiếp tục “cố” nốt các phần còn lại, hình thành 21 tầng như hiện nay (?).
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định: Việc để công trình Sakura Tower xây dựng không phép tới hơn 1 năm mới “báo cáo” lên cấp trên, thực chất là việc làm có chủ ý của cơ quan quản lý trật tự xây dựng cấp cơ sở (Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân - PV). Thực chất các quyết định phạt, yêu cầu dừng thi công trước đó chỉ để hoàn thiện hồ sơ, làm cho có làm, hoàn toàn không kiên quyết và không nghĩ tới hậu quả.
Với cung cách quản lý như thế này, không khó hiểu khi quận Thanh Xuân trở thành điểm nóng của TP Hà Nội về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng; nhà xây dựng không phép, sai phép, nhà siêu méo, siêu mỏng nhức nhối, chậm được giải quyết.
Các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, việc Hà Nội đang phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với những nhà siêu mỏng, siêu méo, nhà xây dựng trái phép phải được coi là bài học đau xót về quản lý đô thị.
Nếu Hà Nội tiếp tục không xử lý nghiêm đối với những cá nhân có dấu hiệu bao che, cố tình vi phạm pháp luật thì một mặt kỷ cương không nghiêm, mặt khác, bộ mặt đô thị còn lộn xộn, xấu xí.
(Theo Thanh Niên)