|
Gần 3 năm triển khai nhưng cụm công nghiệp Thạch Đồng vẫn gần như “bất động” khi mới có 1 cơ sở vào đầu tư sản xuất. |
Với tổng diện tích 4,52 ha, trong đó có 3,28 ha đất cho thuê sản xuất, CCN Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) ra đời nhằm mục đích tạo “môi trường” cho các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hiện đang nằm trong các khu dân cư vào sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ cũng như giải quyết nhu cầu sử dụng đất và duy trì, phát triển làng nghề truyền thống chăn, ga, gối, đệm Thạch Đồng...
Tuy nhiên, kể từ khi có quyết định thành lập đến nay, mới chỉ có 1 hộ vào sản xuất ổn định (ngành nghề SXKD nhôm, kính, diện tích cho thuê và đã đầu tư 4.000 m2) và 5 hồ sơ đăng ký vào sản xuất đang chờ phê duyệt.
Anh D. – chủ một cơ sở sản xuất chăn, đệm tại thôn Đồng Công phân trần: “Cơ sở chúng tôi sản xuất quy mô nhỏ lẻ, lại làm theo thời vụ, như mùa này thì hầu như không sản xuất nên chưa có nhu cầu vào CCN”. Đây cũng là lý do của đại đa số các cơ sở sản xuất khi không tham gia đầu tư vào CCN.
Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đồng Nguyễn Xuân Thiện cho hay: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 30 hộ sản xuất thường xuyên và hơn 100 hộ sản xuất thời vụ, chủ yếu gia công các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm, khung màn inox… Qua rất nhiều lần họp tại các thôn xóm, các hộ vẫn không đồng ý di dời và đầu tư vào CCN. Các cơ sở sợ rằng khi vào CCN sẽ phải đầu tư lại hệ thống nhà xưởng, đóng góp nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Hơn nữa, một trong những điều kiện bắt buộc khi vào hoạt động trong CCN là phải có đăng ký kinh doanh nhưng số lượng các cơ sở đáp ứng được yêu cầu tối thiểu này của CCN Thạch Đồng vẫn còn khá hạn chế”.
Xét trên thực tế, CCN Thạch Đồng khá giống với CCN Thạch Kim (Lộc Hà) trước đây. Tuy cùng xuất phát điểm, cùng lộ trình ưu tiên di dời, nhưng tính đến thời điểm này, CCN Thạch Kim là một trong những CCN “hút” đầu tư khi 100% diện tích đã được lấp đầy, các cơ sở đi vào SXKD ổn định. Những yếu tố tạo nên kết quả tương đối của CCN Thạch Kim là sự vào cuộc quyết liệt cùng một số chính sách, cơ chế linh hoạt của địa phương như có chính sách hỗ trợ đối với các hộ di dời từ cơ sở cũ vào cụm (đối với cơ sở cấp đông, được hỗ trợ 500.000 đồng/m3 kho lạnh; cơ sở chế biến nước mắm, nướng cá, hỗ trợ 150.000 đồng/m2 nhà xưởng, hỗ trợ 100% phí xử lý nước thải, vệ sinh môi trường và phí sử dụng hạ tầng CCN…).
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hậu Tuấn - Phó BQL các CCN trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND xã Thạch Đồng tích cực tuyên truyền, kêu gọi, vận động các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào sản xuất tập trung tại cụm cũng như xem xét cơ chế hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư. Trước mắt sẽ ưu tiên các hộ sản xuất của Thạch Đồng vào cụm nhưng nếu tình hình không khả quan sẽ xem xét các cơ sở ở địa phương khác vào đầu tư, tránh tình trạng lãng phí CCN. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thiết yếu của CCN Thạch Đồng hiện nay vẫn chưa đồng bộ, nên UBND thành phố Hà Tĩnh đang đề nghị các đơn vị liên quan quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng để đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút các dự án”.