Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực phải bỏ tiền “cắt ngọn”
Cụ thể, nếu chủ đầu tư phá dỡ phần công trình vi phạm thì phải thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để lập phương án, giải pháp tháo dỡ và phải thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực để thực hiện thẩm tra phương án, giải pháp tháo dỡ.
Khi có phương án pháp tháo dỡ, chủ đầu tư phải báo cáo UBND quận Ba Đình và Phòng Quản lý đô thị của Quận để xem xét, cho ý kiến trước khi tổ chức phê duyệt phương án, giải pháp tháo dỡ.
Nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ phần thi công vi phạm, Sở Xây dựng cho hay, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế.
Trong trường hợp này, UBND quận Ba Đình sẽ chỉ định đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp để lập phương án, giải pháp tháo dỡ phần công trình vi phạm. Đồng thời, UBND quận Ba Đình sẽ thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện để thực hiện thẩm tra phương án, giải pháp tháo dỡ và tổ chức phê duyệt.
Chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí thuê tư vấn lập phương án, giải pháp tháo gỡ và thẩm tra phương án, giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó Sở Xây dựng cũng yêu cầu phương án, giải pháp tháo dỡ phần vi phạm tại nhà 8B Lê Trực phải đảm bảo an toàn về kỹ thuật, khả năng chịu lực của kết cấu công trình trong và sau khi phá dỡ; đảm bảo an toàn sử dụng, mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, phòng chống cháy nổ…
Phương án, giải pháp tháo dỡ phải thể hiện được các biện pháp, trình tự, quy trình phá dỡ, các trang thiết bị, máy móc phục vụ tháo dỡ, biện pháp che chắn để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cho công trình và các công trình liền kề, phương tiện, thiết bị, con người tham gia giao thông quanh khu vực trong suốt thời gian tháo dỡ.
Đồng thời, phương án, giải pháp tháo gỡ cũng phải thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện phá dỡ, với chính quyền địa phương…
Được biết, ngày 15/11 là hạn chót để chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực trình phương án, giải pháp tháo dỡ phần công trình vi phạm theo yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội.