Khu rừng ở TP Tuy Hòa được quy hoạch xây dự án làm sân golf. Ảnh: P.X.
Giữa tuần này, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đã có thông báo gửi đến các đơn vị liên quan, thừa nhận những thiếu sót khi giao hơn 100 hecta đất rừng phòng hộ để làm dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa.
"Tỉnh khuyến khích đầu tư dự án, phát triển du lịch ven biển nhưng quá trình thực hiện còn nhiều điểm chưa đúng nên chủ động nhận thiếu sót", văn bản do Phó chủ tịch tỉnh - Phan Đình Phùng giải thích. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định đang rà soát, kiểm tra toàn bộ dự án nhằm khắc phục thiếu sót để dự án được thực hiện đúng quy định. Trước đó, người dân đồng loạt lên tiếng rừng phòng hộ nhằm chắn cát, sóng biển xâm thực nhưng bị chặt hạ ồ ạt. Cánh rừng hàng chục hecta biến mất, chỉ còn số ít cây dương lạc lõng bên những bãi cát trắng đang được san ủi.
Từ mong muốn phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cho địa phương, đề xuất về việc xây dựng một khu liên hợp cao cấp của Phú Yên đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc vào năm 2004.
Đầu năm 2008, Chính phủ có công văn xem xét, cấp chứng nhận đầu tư cho dự án này. Giữa năm đó, UBND tỉnh đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH New City Việt Nam (gọi tắt là New City) để thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đôla.
Công ty này có trụ sở chính tại Thành phố Tuy Hòa, Chủ tịch hội đồng thành viên là ông Lee Jung Jun, quốc tịch Hàn Quốc. Ban đầu, New City đăng ký vốn điều lệ 8.400 tỷ đồng (tương đương 400 triệu đôla) với 4 thành viên góp vốn, gồm 2 công ty và 2 cá nhân. Đến năm 2016, công ty được cấp đăng ký thay đổi, xin thay đổi bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh, từ 13 ngành nghề ban đầu lên 22 ngành nghề.
Công ty cũng đồng thời điều chỉnh cơ cấu góp vốn. Cổ đông chính (chiếm 80% vốn) là Công ty TNHH Sunrise Việt Nam với đại diện theo pháp luật là người Hàn Quốc. Hai thành viên còn lại là ông Trình Quang Phú và ông Huỳnh Đỗ Huy Tuấn. Hai doanh nhân này không phải gương mặt xa lạ với Phú Yên. Bản thân ông Phú là người đầu tư Khu du lịch sinh thái Sao Việt chuẩn 5 sao của tỉnh. Còn ông Tuấn hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Bảo Toàn tại Tuy Hòa. Hai doanh nhân này mỗi người góp 840 tỷ đồng, cùng chiếm 10% vốn điều lệ.
Trước đó, vào giữa năm 2013, Phú Yên đã xin ý kiến Thủ tướng chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án Khu du lịch phức hợp cao cấp New City. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết dự án này thiếu cáo báo đánh giá tác động môi trường và phương án trồng rừng thay thế.
Phải 3 năm sau, tức cuối 2016, Phú Yên mới trình báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án trồng rừng thay thế bằng cách cho chủ đầu tư nộp 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên trước đó một năm, thành phố Tuy Hòa đã chủ động giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư.
Đất đã giao từ lâu nhưng đến tháng 2 năm nay, hồ sơ của dự án vẫn chưa được chấp thuận. Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục yêu cầu hoàn thiện thêm.
Cho đến nay, theo UBND Phú Yên, chủ đầu tư đã nộp xong tiền trồng rừng thay thế và đã nộp Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Về thủ tục thực hiện chuyển mục đích rừng phòng hộ, tỉnh này đang hoàn thiện, bổ sung hồ sơ. Điều này cũng đồng nghĩa dự án của New City vẫn chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường; chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Song trên thực tế, đến 24/4 vừa qua, theo xác nhận của ông Phó chủ tịch tỉnh - Phan Đình Phùng, trong tổng diện tích 122,52 héc ta của dự án, có hơn 64 héc ta là diện tích rừng với khoảng 32 héc ta đã bị chặt hạ.
Khu vực rừng đã bị san bằng đang được gấp rút xây dựng sân golf 9 lỗ và các hạng mục khác. Theo Sở Xây dựng Phú Yên, dù dự án chưa được cấp phép xây dựng nhưng sân golf vẫn có thể triển khai do hạng mục này không cần cấp phép. Đồng thời, sân golf phải kịp hoàn thành giữa năm nay để đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN. “Trong khi tháng 6, tháng 7 đã thi hoa hậu rồi, nên tỉnh có cơ chế để tạo điều kiện cho nhà đầu tư”, Ông Mai Kim Lộc - Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Phú Yên từng trả lời báo chí.
“Đây là các hạng mục có quy mô nhỏ, có tính chất tạm thời phục vụ cho công tác chuẩn bị thi công, xây dựng, quản lý và bảo vệ ranh giới khu đất, tránh trường hợp tái lấn chiếm và bước đầu triển khai dự án”, UBND Phú Yên lên tiếng sau khi báo chí đặt vấn đề về các hạng mục tường rào, cổng, đường giao thông đã xây.
Thực tế, New City không chỉ mới được Phú Yên ưu ái gần đây. Từ tháng 8 năm ngoái, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo kết luận của Phó chủ tịch Nguyễn Chí Hiến đồng ý cho New City vừa triển khai xây dựng vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với các khu vực đã giải phóng mặt bằng và lập đồ án quy hoạch. Các hạng mục như cầu cảng, khu vui chơi công viên nước… cũng được bật đèn xanh thi công trước.
Trong phản hồi gần đây về dự án, lãnh đạo Phú Yên thừa nhận thiếu sót trong việc cho doanh nghiệp phá rừng trước khi cấp phép. Tuy nhiên, vì là dự án trọng điểm, điểm nhấn của du lịch tỉnh nên sẽ được tạo điều kiện để khắc phục và triển khai đúng tiến độ.
“Việc triển khai các dự án du lịch ven biển nói chung và Dự án Khu du lịch Liên hợp cao cấp New City tại xã An Phú, thành phố Tuy Hòa nói riêng là nhằm khai thác và phát huy lợi thế về tài năng du lịch biển… đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Vì vậy UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo khắc phục những thiếu sót để dự án được thực hiện đúng quy định”, thông báo cho biết.