Đầu tư “nguy hiểm”
Tại cuộc làm việc với ĐH Đà Nẵng ngày 24.2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các ngành liên quan và chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng tái khởi động dự án Làng ĐH Đà Nẵng sau 20 năm quy hoạch “treo”. Người dân trong vùng quy hoạch phấn khởi trước thông tin này, trong khi đó chính quyền cơ sở lo ngại việc sang nhượng đất bằng giấy viết tay, xây dựng trái phép… sẽ diễn biến phức tạp. Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Lý (53 tuổi, trú tại KP.Tứ Hà, P.Điện Ngọc, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) thật thà kể, cách đây 20 năm khi có thông tin về dự án ông đã đầu tư mấy chục triệu đồng xây dựng căn nhà rộng khoảng 40 m2 để “đón đầu” đền bù. “Ai dè... treo miết. Tiền bỏ ra rồi mà không cách gì thu lại được vì chưa có chủ trương giải tỏa”, ông Lý nói.
Nhiều hộ dân khác tại địa phương khi biết tin quy hoạch Làng ĐH Đà Nẵng cũng chủ động trồng cây cối chờ đền bù. Mặc dù việc sang nhượng đất đã bị chính quyền ngăn chặn (thông qua việc không cấp “sổ đỏ”), nhưng tình trạng này vẫn âm thầm diễn ra suốt nhiều năm qua. Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND P.Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) cho biết, tại địa phương có 77 ha quy hoạch với khoảng 175 hộ dân. Để giải quyết bức xúc của dân, những năm qua chính quyền Q.Ngũ Hành Sơn cho xây dựng nhà dưới 50 m2 trong vùng quy hoạch để sống tạm. “Thế nhưng Thủ tướng vừa về và chỉ đạo tái khởi động Làng ĐH, nên quận cũng đã cấm luôn rồi”, ông Kim nói. Theo ông Kim, người nào đầu tư đất vào khu vực quy hoạch “là nguy hiểm” vì hiện không cho tách thửa, chuyển nhượng. “Thấy rẻ mà mua đất bằng giấy viết tay thì sau này người mua sẽ chịu thiệt hại”, ông Kim cảnh báo.
Phó chủ tịch UBND P.Điện Ngọc (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) Trịnh Văn Lượng cũng xác nhận tình trạng sốt đất từng xảy ra trong các năm 2010-2012, khi xuất hiện thông tin sáp nhập phường vào TP.Đà Nẵng. Do vậy, khi có thông tin tái khởi động làng ĐH, UBND phường đã ban hành văn bản tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng. “Hiện nay một số kẻ xấu lợi dụng đưa nhiều thông tin nhằm kích động người dân không an tâm trong việc giải tỏa, bồi thường hỗ trợ tái định cư của dự án…”, công văn này nêu.
Những công trình “đón đầu” đền bù đang bỏ hoang tại TX.Điện Bàn
ẢNH: H.S
“Chúng tôi sống treo 20 năm rồi…”
Tại cuộc họp vào ngày 24.2 với đoàn công tác của Chính phủ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, địa phương có 70 ha trong dự án thì chỉ có 10 ha có mật độ dân cư lớn nên đề nghị Thủ tướng cho giải tỏa hết. Kinh phí giải tỏa cho cả 2 địa phương khoảng 1.650 tỉ đồng, theo ông Thơ, là có thể đáp ứng để khởi động lại dự án mang tầm ảnh hưởng cả miền Trung - Tây nguyên này. Tại Quảng Nam, khu vực quy hoạch là 190 ha, trong đó có thể giải tỏa 130 ha, 60 ha còn lại phải khảo sát để điều chỉnh. Kinh phí giải tỏa khoảng 1.000 tỉ đồng (ước tính 5 tỉ đồng/ha), theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là có thể đảm bảo được.
Tại cuộc làm việc với đoàn công tác Chính phủ về dự án này, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết dự án được Thủ tướng phê duyệt trước thời điểm Quốc hội có nghị quyết chia tách tỉnh chỉ 20 ngày. “Đã 20 năm nay, Quảng Nam rất trăn trở và nhiều lần họp với chính quyền TP.Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT bàn bạc triển khai. Đã 5 nhiệm kỳ trong nghị quyết đại hội đều đưa Làng ĐH Đà Nẵng vào, và nhiều lần địa phương đề nghị Chính phủ vào cuộc”, ông Thu nói.
Còn người dân, họ thực sự mệt mỏi vì hệ lụy của 20 năm quy hoạch “treo”. Ông N.V.N. (trú tại P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn) cho hay, dù khu đất ông sở hữu không thuộc vùng quy hoạch Làng ĐH nhưng cũng “dính” hạng mục liên quan là khu ký túc xá sinh viên. “Làng ĐH không triển khai thì ký túc xá làm sao xây dựng? Nên khu đất vướng quy hoạch cũng không thể sang nhượng, bức bí quá tôi bán liều sang tay cho một người khác để có tiền sửa sang nhà cửa của mình”, ông N. nói. Mấy hôm nay, con trai ông N. loay hoay các thủ tục để xin cấp phép xây nhà tạm dưới 50 m2, nhưng vẫn chưa được quận đồng ý. Ở địa bàn TX.Điện Bàn (Quảng Nam), tình hình cũng không khá hơn. “Muốn bán miếng đất sửa nhà hay cho con đi học cũng chịu. Mùa mưa bão đến, nhà cửa xuống cấp muốn xây nhà mới thì phải bán đất, nhưng không làm được giấy tờ thì ai mua? Chúng tôi đã sống “treo” 20 năm rồi... Chỉ mong sau chủ trương của Thủ tướng, dự án sẽ triển khai để chúng tôi thoát cảnh khổ sở này”, ông Nguyễn Quế (60 tuổi, trú tại P.Điện Ngọc) thở dài.
P.Điện Ngọc có 190 ha đất tại 3 tổ dân phố Tứ Hà, Câu Hà, Tứ Ngân (với khoảng 500 hộ dân) thuộc quy hoạch của dự án. 20 năm qua, áp lực về nhà ở tại địa phương rất lớn vì không được xây dựng, không tách thửa được... Ngoài dự án Làng ĐH, có đến 40 dự án khác nên việc quản lý trật tự xây dựng của phường cũng “ngốn” rất nhiều thời gian. “Sau khi Thủ tướng yêu cầu khởi động lại dự án, chúng tôi ai cũng vui mừng. Phường kiến nghị, chỗ nào không quy hoạch thì để người dân chỉnh trang nhà cửa, sang nhượng đất... nhằm ổn định cuộc sống”, ông Trịnh Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND P.Điện Ngọc cho biết.
Sau 2 thập niên bị “treo”, nhiều người lo ngại chất lượng quy hoạch của dự án Làng ĐH đã... lỗi thời. Do vậy, theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cần khảo sát, điều chỉnh lại quy hoạch và làm ngay, nếu kéo dài vài ba năm nữa thì giá đền bù sẽ cao hơn.