|
Việc triển khai dự án sân bay Long Thành vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp. |
Bộ trưởng khẳng định, đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không thể. Để phục vụ tốt yêu cầu của đất nước, nhất thiết phải đầu tư một sân bay mới.
- Thưa ông, Bộ Chính trị đã cho ý kiến thế nào về dự án sân bay Long Thành?
Theo Nghị quyết 13 của Trung ương, nguồn vốn được sử dụng để đầu tư dự án là nguồn vốn ODA và được huy động từ các nguồn lực khác. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai cụ thể thế nào thì phải báo cáo Bộ Chính trị.
Hiện dự án sân bay Long Thành đã được báo cáo lên Bộ Chính trị, nhưng Bộ Chính trị chưa xem xét kĩ vì chưa được Quốc hội thông qua. Vì vậy, Chính phủ cần phải tiếp tục xin ý kiến Quốc hội và báo cáo lại lần nữa để Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến.
- Vậy chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành vẫn chưa được Quốc hội quyết định tại kỳ họp này là do đâu?
Là do thời điểm này chưa thực sự phù hợp.
Việc làm sân bay Long Thành theo ý kiến của đại đa số đại biểu Quốc hội là cần thiết, nhưng đưa dự án sân bay Long Thành vào lúc này sẽ không có lợi, bởi chúng ta đang bàn nhiều đến nợ công.
Vì vậy, làm sân bay Long Thành phải tính toán làm sao đảm bảo đi cùng với sự phát triển chung của đất nước cũng như các tiêu chí về nợ công và trả nợ mà Quốc hội đã đề ra.
Kỳ này dự án sân bay Long Thành được trình lên Quốc hội là xin chủ trương chứ không phải là phê duyệt thực hiện. Thời gian từ xin chủ trương rồi lập báo cáo khả thi đến lúc triển khai là rất dài, không thể nhanh được.
Thêm vào đó, nguồn vốn để thực hiện dự án còn rất khó khăn. Tổng số nguồn vốn theo dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng là một con số quá lớn so với hoàn cảnh hiện tại.
Trong khi đó, số tiền khả thi chỉ đạt khoảng 7,8 tỷ USD được chia làm hai giai đoạn 1A và 1B. Trong đó, giai đoạn 1A khoảng hơn 5 tỷ, được huy động từ nhiều nguồn, ngân sách chỉ đủ để lo giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, trụ sở các cơ quan như hải quan, thuế, an ninh...
Tuy nhiên, vốn chỉ là một trong nhiều vấn đề khó khăn, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp lắm. Ví dụ như chuyện giải phóng mặt bằng thôi, do sự quản lý của tỉnh Đồng Nai tốt, họ đã đến thỏa thuận với từng người dân nên gần 100% hộ dân đồng ý ký hết. Nhưng một khi Quốc hội quyết định đầu tư chắc chắn giá đất sẽ khác ngay rồi nhiều điều nảy sinh.
Căn cứ vào Nghị quyết 49 của Quốc hội, dự án phải trình qua hai lần, nếu thông qua chủ trương. Tại kỳ họp này chưa quyết định nên phải tiếp tục làm dự án khả thi để trình Quốc hội, lúc đó Quốc hội mới quyết làm hay không làm.
- Vậy Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề sau 2020 mới xây sân bay Long Thành đã được nhiều người đặt ra?
Thực tế, đến năm 2025 mới có nhu cầu, nhưng để có sân bay hoạt động vào năm 2025 thì phải được chuẩn bị từ bây giờ.
Ở nhiều nước, họ thường thuê tư vấn quốc tế lập dự án đối với những dự án lớn và được các định chế tài chính thẩm định. Một khi thấy hiệu quả, chủ đầu tư có thể vay ngân hàng mà không cần bảo lãnh, không lo nợ công. Tại sao dự án Long Thành không làm như vậy, thưa ông?
Vấn đề ở đây là chưa thể làm được bởi chưa có báo cáo khả thi chứ không phải không làm. Mà Quốc hội chưa đồng ý chủ trương thì báo cáo tiền khả thi cũng chỉ có một con số dự toán sơ bộ khó chính xác.
Nếu đảm bảo chính xác, đầy đủ hơn thì phải có khảo sát, thiết kế cụ thể. Và để làm được báo cáo khả thi thì cũng cần phải có tiền.
Giờ cứ làm báo cáo khả thi nhưng Quốc hội không thông qua thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Xin cảm ơn ông!