SearchNews

Dự án Splendora: “Khuất tất” tiền chênh giao dịch qua sàn BĐS

17/10/2012 14:05

Hàng trăm khách hàng dự án Splendora đang búc xúc trước khoản tiền "không tên" hàng chục tỷ đồng của họ không cánh mà bay.

Hàng trăm khách hàng Splendora “tố” An Khánh JVC đã “chỉ định” khách hàng đến sàn bất động sản Simco Sông Đà và Công ty TNHH Thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư EMIS để nộp các khoản phí trong việc chuyển nhượng biệt thự và liền kề Splendora.


Vụ việc khách hàng Splendora khiếu nại chủ đầu tư đã kéo dài những tháng ngày qua của một số cá nhân nhỏ lẻ nhưng không được phía chủ đầu tư giải thích rõ. Chỉ đến khi có hàng chục khách hàng kéo đến trụ sở công ty để đòi giải trình ngày 2/10 thì chủ đầu tư mới có văn bản chính thức giải trình các khúc mắc của khách hàng vào 9/10 vừa.

Tuy nhiên, hàng trăm khách hàng Splendora cho rằng giải đáp đó chỉ là “chống đối” của chủ dự án và thoái thác trách nhiệm.

Câu chuyện vỡ lở khi sáng 14/10 hàng trăm khách hàng đã có buổi họp mặt để cùng nhau thống nhất phương án kiến nghị đòi lại những quyền lợi mà họ cho là chính đáng lên chủ đầu tư là Công ty An Khánh JVC.

Trong buổi Hội nghị khách hàng, các khách hàng đã “tố” chủ đầu tư cùng với sàn Simco Sông Đà và Công ty EMIS thu trái phép của họ hàng chục tỷ đồng.

Sàn BĐS thu vài trăm triệu đồng

Theo giải thích của khách hàng, hầu hết các khách hàng ở đây đều phải mua lại biệt thự, liền kề Splendora từ những cá nhân khác nên phải làm các thủ tục chuyển nhượng. Ngoài việc phải trả thêm hàng tỷ đồng “tiền chênh” (khoảng đầu năm 2011 giá chênh biệt thự Splendora dao động từ 7-10 tỷ đồng/căn do thị trường “nóng” – PV), mỗi khách hàng còn phải đóng cho Simco Sông Đà và EMIS một khoản phí, thuế khoảng vài trăm triệu đồng tùy vào từng Hợp đồng mua bán.

Mới đây, trong văn bản trả lời khách hàng, An Khánh JVC cho biết” Do An Khánh JVC không thực hiện dịch vụ hỗ trợ khách hàng làm thủ tục chuyển nhượng nên nhiều khách hàng đã lựa chọn phương án thuê dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ khác như sàn BĐS Simco Sông Đà, Công ty EMIS và một số sàn giao dịch khác để hoàn thành thủ tục chuyển nhượng và nghĩa vụ thuế. An Khánh JVC không chỉ định hoặc có bất kỳ mối liên hệ nào với các đơn vị nêu trên.”

Tuy nhiên, Biên bản “lấy ý kiến khách hàng” khách hàng đã ký tại Hội nghị khách hàng Splendora ngày 14/10, các khách hàng đã khẳng định là việc làm thủ tục chuyển nhượng, nộp tiền tại hai đơn vị trên là do ông Thành, bà Hương và bà Trang nhân viên của phòng kinh doanh Công ty hướng dẫn họ đến hai sàn trên để làm thủ tục.

Văn bản nêu rõ: “khi thu tiền qua 2 đơn vị trên chúng tôi không có hóa đơn của chi cục Thuế Hoài Đức. Nay bằng văn bản này chúng tôi đề nghị chủ đầu tư phải làm rõ trách nhiệm của những người thu tiền sai so với quy định của Nhà nước.”

Qua tìm hiểu cho thấy, mỗi khách hàng Splendora phải nộp thêm cho mỗi căn biệt thự, liền kề vào khoảng 50 – 90 triệu đồng tùy vào từng căn cho Simco Sông Đà và EMIS mà không có bất cứ hóa đơn nào, chứng từ gì ngoài “Giấy Biên Nhận Tiền” mà Simco Sông Đà và EMIS đã ký với khách hàng cho việc dịch vụ chuyển nhượng mua bán nhà, các khoản thuế, phí và lệ phí tạm tính.

Theo anh N.T.T, khách hàng mua biệt thự Splendora, anh đã nộp cho Công ty EMIS 190 triệu đồng có giấy biên nhận thu tiền sau khi được nhân viên kinh doanh Công ty An Khánh JVC hướng dẫn. Sau khoảng 1 tuần Công ty EMIS trả hóa đơn thuế đã nộp cho chi cục thuế huyện Hoài Đức với số tiền thực đã nộp chỉ 99 triệu đồng.

Anh N.T.T cho biết thêm: “Chúng tôi cũng muốn đến thẳng chi cục thuế Hoài Đức để nộp tiền chứ chẳng ai muốn nộp qua công ty EMIS để mất cả trăm triệu đồng tiền phí như vậy.”

Cũng cùng cảnh với anh T, nhiều khách hàng Splendora khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Đơn cử như trường hợp của khách hàng Nguyễn Mai Hồng. Bà Hồng cho biết: “Với căn biệt thự 270m2, tôi phải nộp hơn 160 triệu đồng nhưng trong phiếu thu họ ghi hơn 80 triệu đồng. Tôi thắc mắc hỏi về khoản tiền chênh không ghi hóa đơn, không có phiếu thu thì nhân viên nói là phiếu thu sẽ chuyển về công ty An Khánh JVC sau, Simco Sông Đà chỉ đứng ra thu hộ thôi”.

Trước những thông tin trên, qua tìm về những khoản thuế nộp vào ngân sách Nhà nước tại chi cục thuế huyện Hoài Đức của các khách hàng Splendora cho thấy một điều khá bất thường. Số tiền thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước lại thấp hơn cả chục triệu đồng số tiền mà một số sàn BĐS thu của mỗi khách hàng.

Đơn cử như trường hợp khách hàng P.T.H.C chuyển nhượng cho khách hàng P.X.C hợp đồng góp vốn số 071/AK/HĐGV 140809 khoản thuế chỉ 35 triệu đồng trong khi khách hàng C phải nộp 85 triệu đồng. Tương tự khách hàng N.T.V số tiền thuế phải nộp chỉ 35 triệu đồng trong khi thực tế chị V đã phải chi trả 165 triệu đồng và số tiền trong hóa đơn 85 triệu đồng...

Các khách hàng Splendora ước tính, với số tiền thu “chênh” của một số sàn BĐS của hơn 500 khách hàng có thể lên đến khoảng 60 tỷ đồng. Theo các khách hàng, vấn đề là số tiền này đã đi đâu? Ai đã sử dụng số tiền này? Trong khi số tiền mà họ lẽ ra phải nộp là thấp hơn rất nhiều, chứ không phải mỗi khách hàng phải bỏ ra cả trăm triệu đồng cho những khoản tiền “không tên” đó.

Để làm rõ thêm thông tin, PV đã có liên hệ với lãnh đạo sàn BĐS Simco Sông Đà nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể về vấn đề này.Đại diện sàn Simco Sông Đà cho rằng, công ty có nhiều bộ phận và các bộ phần này tự chịu trách nhiệm về phần việc mà mình làm còn lãnh đạo không nắm được vấn đề này.

(Theo TTVN)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu