SearchNews

Dừng triển khai tuyến BRT 144 triệu đô trên đại lộ Đông Tây

11/09/2017 14:21

Tp.HCM sẽ không xây dựng BRT (xe buýt nhanh) trên đại lộ Đông Tây như kế hoạch mà sẽ làm tuyến buýt chất lượng cao trên trục đường này.

Phối cảnh tuyến BRT số 1
Phối cảnh tuyến BRT số 1 của Tp.HCM từng được nghiên cứu triển khai.
(Ảnh: UCCI)

Vừa qua, UBND Tp.HCM đã quyết định dừng triển khai tuyến BRT đầu tiên trên đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ). Được biết, việc này dựa trên nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải TP về tính khả thi và hiệu quả của tuyến buýt nhanh.

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, lượng khách năm đầu tiên chỉ khoảng 17.700 người/ngày, không giống như dự báo trước đây là hơn 24.700 người. Như vậy, so với các tuyến buýt thường hiện nay, sản lượng của buýt nhanh hơn không nhiều, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư BRT rất lớn.

Nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, Tp.HCM không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, nhà chờ, thiết bị soát vé, đầu tư phương tiện BRT, kết cấu hạ tầng,… Mặt khác, TP còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.

Tuyến buýt chất lượng cao
Sẽ có tuyến buýt chất lượng cao trên đại lộ Đông Tây Tp.HCM.
(Ảnh: Hữu Công)

Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Đô thị TP (UCCI), ông Lương Minh Phúc cũng đồng quan điểm trong một cuộc họp mới đây.

Theo ông Phúc, qua 4 lần khảo sát, đánh giá mô hình BRT của Hà Nội cũng như tham khảo 3 mô hình BRT Nam Mỹ, BRT châu Âu, BRT châu Á cho thấy, làm tuyến buýt nhanh tại thời điểm này là chưa phù hợp. Tp.HCM nên làm tuyến buýt chất lượng cao ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Khoảng 5-10 năm sau, nếu TP có điều kiện thì nâng cấp lên BRT.

Tp.HCM trước đó đã giao UCCI làm chủ đầu tư việc nghiên cứu và thực hiện tuyến xe buýt nhanh số 1 qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh dài 23km. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 144 triệu USD.

Hiện tại, Tp.HCM có 3 tuyến buýt chất lượng cao hoạt động theo hình thức không trợ giá, 20.000 đồng mỗi lượt, từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm, các bến xe lớn và bệnh viện. Xe được đầu tư mới, thiết kế hiện đại đạt chuẩn chất lượng khí thải Euro II, có hệ thống đảm bảo an toàn cho hành khách (hệ thống chống kẹt cửa tự động, giảm xóc khí nén, hệ thống tự điều chỉnh phanh và côn, thảm sàn cao cấp chống trơn trượt), có camera giám sát,…

6 tuyến BRT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Tp.HCM:

- Chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dài gần 29 km.
- Theo đường Nguyễn Văn Linh - từ bến xe Miền Tây tới cầu Phú Mỹ, dài khoảng 24 km.
- Dọc đường vành đai 2 - từ ngã tư An Sương đến bến xe miền Tây mới, khoảng 19 km.
- Theo trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi từ đường Kha Vạn Cân đến công viên Chiến Thắng dài khoảng 14,5 km.
- Theo trục đường Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Văn Linh, dài gần 9 km.
- Dọc đường Quang Trung, theo hướng tuyến Monorail số 3 dài khoảng 8,5 km.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu