SearchNews

Hà Nội: Đầu tư 2.571 tỷ đồng xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

06/12/2019 16:27

Thời gian tới, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 để kịp thời hoàn thành vào cuối năm 2022. Tổng kinh phí xây cầu Vĩnh Tuy mới hơn 2.500 tỷ đồng.

Báo cáo tiền khả thi dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 của UBND TP. Hà Nội vừa được thẩm định bởi Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan.

Đây là dự án đầu tư công với tổng kinh phí 2.571 tỷ đồng. Cầu Vĩnh Tuy mới được bố trí bên cầu cũ, nâng chiều rộng mặt cầu từ 19m lên 38m. Dự kiến, công trình sẽ được thực hiện trong những năm 2020-2022.

Hình ảnh nút giao cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 phía quận Hai Bà Trưng với xe cộ qua lại, xung quanh là khu dân cư đông đúc
Hình ảnh nút giao cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 phía quận Hai Bà Trưng.

Mục đích xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là để hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2, đồng thời tăng cường kết nối hai bên bờ sông Hồng, trên cơ sở đó hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Hà Nội.

Theo yêu cầu của Bộ KH&ĐT, TP. Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi về nguồn vốn thực hiện dự cầu Vĩnh Tuy mới. Trong khi đó, đối với việc cân đối ngân sách địa phương bố trí cho dự án, HĐND TP. Hà Nội cần cam kết, chịu trách nhiệm.

Nội dung báo cáo tiền khả thi của TP. Hà Nội cho biết, toàn bộ vốn đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 lấy từ ngân sách TP. Dự kiến, từ năm 2020 sẽ bắt đầu cấp vốn với số tiền khoảng 300 tỷ đồng, còn lại 2.200 tỷ đồng lấy từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách những năm 2016-2020 hoặc có thể lấy từ nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, thậm chí phát hành trái phiếu (nếu cần).

Cơ cấu vốn đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với màu xanh dương là kinh phí xây dựng, xanh là dự phòng, màu vàng là phí tư ấn đầu tư, màu cam là phí quản lý dự án
Cơ cấu vốn đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. (Đồ họa: Ngọc Tân)

Dự án theo quy định hiện hành sẽ tiến hành thi tuyển phương án kiến trúc. Thế nhưng, từ giai đoạn 1, kiến trúc công trình đã được thống nhất, phê duyệt. Do đó, TP xin bỏ qua bước này. Như vậy, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ có hình dáng, kết cấu tương đồng với cầu Vĩnh Tuy hiện hữu.

Bộ KH&ĐT yêu cầu TP so sánh kinh phí thực hiện 2 công trình bởi cầu mới là phiên bản tương tự cầu cũ. Nếu có chênh lệch, TP. Hà Nội cần giải thích rõ ràng.

Đối với phương thức tổ chức giao thông, cầu Vĩnh Tuy mới gồm 4 làn xe (1 làn xe buýt, 2 làn xe cơ giới, 1 làn hỗn hợp, dải đi bộ), đảm nhiệm chiều đường từ bờ Nam (Hai Bà Trưng) tới bờ Bắc (Long Biên). Theo đó, toàn bộ cầu Vĩnh Tuy cũ sẽ chuyển thành đường một chiều từ quận Long Biên vào trung tâm Thủ đô.

Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội cho hay, dự án này không cần giải phóng mặt bằng bởi hai bên bờ sông đã có sẵn phần đường dẫn nối lên cầu được xây chờ từ giai đoạn 1.

Vào năm 2005, cầu Vĩnh Tuy hiện hữu được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2010. Cầu dài 5,8km, rộng 38m, đường dẫn hai đầu dài 1,68km, phần vượt sông 3,7km. Dự án vì thiếu vốn nên mới hoàn thành phần đường dẫn hai đầu cầu cùng 1/2 diện tích mặt cầu rộng 19m.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được phê duyệt bởi TP. Hà Nội vào năm 2011. Tuy nhiên, công trình trễ tiến độ 8 năm do thiếu vốn. Dự kiến, TP sẽ lựa chọn nhà thầu vào quý 3/2020, thi công trong khoảng 2 năm, đến tháng 12/2022 sẽ hoàn thành.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu