UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường số 3 vào khu đô thị Tây Hồ Tây.
Trong công văn gửi các sở, ngành liên quan ngày 11/3, UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và chủ đầu tư, UBND thành phố đã chấp thuận và yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn Ban Quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội triển khai lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, tổ chức thẩm định và trình duyệt theo quy định, đồng thời đề xuất địa điểm đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến đường.
Thành phố cũng yêu cầu UBND huyện Từ Liêm tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng phần đất nông nghiệp của dự án, chủ động rà soát và phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tìm địa điểm tái định cư bằng đất phục vụ cho giải phóng mặt bằng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, đề xuất và bố trí vốn thực hiện dự án tuyến đường số 3 và vốn lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường này.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tuyến đường số 3 được xác định là 1 trong 5 tuyến quan trọng cửa ngõ vào trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, nối với đường Phạm Văn Đồng.
Dự án tuyến đường được chia làm hai giai đoạn đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có khoảng 342 hộ dân (38.000 m2) phải di dời để bàn giao mặt bằng.
Khu đô thị Tây Hồ Tây, với tên gọi mới là Starlake, dự kiến sẽ có tổng vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD, theo công bố của chủ đầu tư tại lễ động thổ khu trung tâm khu đô thị này, hôm 15/11/2012 tại Hà Nội.
Thường được xem là một "siêu dự án", khu đô thị Tây Hồ Tây có số vốn đầu tư đăng ký theo giấy phép vào thời điểm 2006 là hơn 314 triệu USD, tổng diện tích là 207,66 ha, nằm tại khu vực Tây Hồ Tây trên địa giới hành chính của phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm).
Còn nay, với con số 2,5 tỷ USD mới công bố, dự án sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư từ tập đoàn Daewoo E&C và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), tập đoàn tài chính nhà nước hàng đầu của Hàn Quốc.
Trên tổng diện tích hơn 207 ha, sẽ có hơn 89 ha dành cho đường giao thông, đường dạo, công viên, cây xanh, hồ điều hòa. Hơn 25 ha của dự án dành cho không gian mở phục vụ hoạt động công ích của Hà Nội và xây dựng trụ sở mới các bộ ngành sẽ di dời về đây. Phần diện tích gồm 46 ha dành cho các công trình thương mại, trung tâm tài chính, văn phòng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, cùng với các công trình văn hóa, giáo dục như nhà hát Thăng Long, trường học các cấp.
Riêng khu đất ở rộng 26 ha, với quy mô dân số khoảng 25.000 dân, được quy hoạch đa dạng với các khu chung cư cao tầng, nhà liền kề và biệt thự.
Dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây kết nối với một loạt các dự án trọng điểm của thành phố như đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài, dự án nhà ga T2, dự án đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, cầu Nhật Tân... và do đó được kỳ vọng "sẽ làm thay đổi bộ mặt cảnh quan và diện mạo kiến trúc của khu vực phía Tây Hà Nội".
Theo quy hoạch, dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 2 cũng sẽ được xây dựng chạy qua trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, nên từ đây có thể kết nối nhanh chóng với sân bay Nội Bài qua đường vành đai số 2 về phía Đông và đường Phạm Văn Đồng về phía Tây.
Theo Vneconomy