Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai (do UBND TPHCM quyết định thành lập) vừa báo cáo kết quả xử lý các dự án chậm triển khai sau khi làm việc với các quận huyện. Tổ công tác đã đề xuất UBND TP kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai, không khả thi để trả lại quyền lợi cho người dân.
10 năm vẫn chưa đền bù, giải tỏa xong
Tại các vùng ven như quận 9, quận 2, quận 12, huyện Bình Chánh… hầu như nơi nào cũng có dự án chậm tiến độ, dự án treo… Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư gặp khó khăn khi triển khai bồi thường, không đủ vốn, thậm chí có doanh nghiệp đã giải thể nhưng dự án vẫn cứ “treo” …
Dự án khu tái định cư Suối Tiên (phường Tân Phú) do Công ty TNHH Lâm sản mỹ nghệ Suối Tiên làm chủ đầu tư được triển khai 10 năm, nhưng đến nay chỉ bồi thường được 44% diện tích. Tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn - nơi được kỳ vọng sẽ mọc lên những khu dân cư hiện đại, kiểu mẫu nhưng có quá nhiều dự án ì ạch. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thành viên tổ xử lý, cho biết sẽ kiến nghị HĐND TPHCM giám sát các dự án “treo” tại khu Nam, đồng thời kiến nghị UBND TP yêu cầu Ban Quản lý khu Nam phải tổng kết mô hình khu đô thị mới nhằm rút ra những bài học thực tiễn để khắc phục những hạn chế vì nếu để các dự án cứ “treo” mãi như hiện nay thì không thể gọi là khu đô thị mới được.
Dự án nhà của Công ty TNHH XD-KD nhà Đại Phúc (Bình Thạnh) có quy mô 40.249m² được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay chủ đầu tư mới bồi thường được 44,8%. Dự án chậm triển khai nhưng vừa qua vẫn tiếp tục kiến nghị xin kéo dài thời gian dự án. Tại quận 12, dự án khu nhà ở Thới An có quy mô 38ha, phường Thới An đã “treo” 12 năm nay. Chủ đầu tư dự án trên là Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Phú Nhuận, một doanh nghiệp nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Tương Minh cho biết, dự án chia thành 2 khu, khu 2 (18ha) và khu 3, 4 (20ha) - tỷ lệ đã bồi thường là 65% và 44%. Nguyên nhân mấu chốt là chủ đầu tư vẫn khăng khăng bồi thường theo phương án đã phê duyệt từ năm 2003 theo Nghị định 22/1998 (đất nông nghiệp chỉ đền bù từ 180.000 - 230.000 đồng/m²), trong khi đây là khu vực gần như đã đô thị hóa hoàn toàn, cùng một loại đất nhưng các dự án giáp ranh đã bồi thường tới 10 triệu đồng/m².
Thu hồi hàng loạt dự án chậm triển khai
Theo báo cáo của Sở TN-MT TPHCM, với các dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, đến nay thành phố có 471 dự án sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng với tổng diện tích 4.287ha, trong đó 77 dự án, diện tích 959ha có tỷ lệ bồi thường đạt dưới 50% diện tích đất của dự án, thuộc loại dự án chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục thực hiện hoặc dự án không khả thi, đã bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Như vậy đã xử lý xong 100% dự án thuộc loại phải xử lý thu hồi, chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Số dự án có tỷ lệ bồi thường, giải tỏa từ trên 50% - 100% diện tích đất của dự án, thuộc loại được xem xét gia hạn và chỉ gia hạn một lần đến hết ngày 31-12-2013 là 394 dự án, diện tích 3.329ha.
Đối với các dự án có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất: thành phố có 785 dự án có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng, tổng diện tích 14.500ha. Dự án phát triển nhà ở gồm 406 dự án, tổng diện tích 8.100ha, trong đó 41 dự án, với tổng diện tích 2.903ha đất có tỷ lệ bồi thường, giải tỏa đạt dưới 50% diện tích đất của dự án, thuộc loại dự án không còn khả năng tiếp tục thực hiện, cần phải xử lý thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất.
Đến nay đã xử lý thu hồi, hủy bỏ 10 dự án, diện tích 674ha đất, đạt tỷ lệ 24% số dự án phải xử lý; số dự án còn lại phải xử lý là 31 dự án với diện tích 2.229ha, đây là các dự án đặc thù, có quy mô diện tích lớn, cần xem xét giải quyết từng dự án cụ thể. Đối với 365 dự án, diện tích 5.197ha có tỷ lệ bồi thường từ trên 50% - 100%, UBND các quận, huyện làm việc trực tiếp với từng chủ đầu tư, đề nghị chủ đầu tư có cam kết về lộ trình, tiến độ thực hiện hoàn thành bồi thường, giải tỏa, cũng như thời điểm kết thúc, hoàn thành dự án và thực hiện niêm yết công khai thông tin theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, qua công tác kiểm tra thực tế, phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan, tổ công tác sẽ báo cáo lãnh đạo TP trên cơ sở đó sẽ cho gia hạn những dự án nào khả thi, tháo gỡ những vướng mắc khách quan cho doanh nghiệp. Còn đối với những dự án không khả thi, chủ đầu tư không đủ năng lực thì phải kiên quyết thu hồi.
Thông tin từ Sở TN-MT cho biết, qua đợt kiểm tra tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ hồng) tại các quận huyện, cơ quan này đang tổng hợp danh sách các dự án chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật gửi UBND TP và đề nghị chuyển cơ quan công an điều tra xử lý. Theo đó, có nhiều dự án chủ đầu tư ký hợp đồng “hợp tác đầu tư” với khách hàng và thu đủ tiền nhưng đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thế chấp vay tiền ngân hàng nay không có khả năng giải chấp để làm “sổ hồng” cho khách hàng; xây dựng sai phép; nhiều dự án chung cư đã có hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng nhưng “sổ đỏ” cũng đem cầm cố cho ngân hàng…
|
Theo SGGP