SearchNews

Thêm công trình Mường Thanh bị chỉ mặt vượt tầng

15/04/2017 14:06

Tòa nhà VP6 của Tập đoàn Mường Thanh trong khu đô thị Linh Đàm, theo quy hoạch được duyệt cao 25 tầng, nhưng xây vượt... 10 tầng.

chung cư ở Linh Đàm xây vượt tầng
Tòa nhà chung cư ở Linh Đàm

Đó là thông tin được đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội công bố khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch tại Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Xây dựng Hà Nội.

Nhiều đại biểu cho rằng, Hà Nội đang xảy ra tình trạng cấp phép xây dựng chung cư, cao ốc một đằng, chủ đầu tư xây dựng một nẻo.

Dẫn chứng điều này, nhiều tờ báo phản ánh, đại biểu Nguyễn Văn Được nêu ra ví dụ tòa nhà VP6 của Tập đoàn Mường Thanh trong khu đô thị Linh Đàm, theo quy hoạch được duyệt, tòa nhà cao 25 tầng, 2 tầng kỹ thuật và 3 tầng hầm. Tuy nhiên chủ đầu tư đã xây vượt thêm 10 tầng thành 35 tầng, 1 tầng áp mái nhưng chỉ có 1 tầng hầm.

Ông Được cũng chất vấn: trách nhiệm trong việc để chủ đầu tư xây chung cư quá phép thuộc về cơ quan nào?

Một vấn đề khác được đại biểu Nguyễn Văn Chiến chỉ ra, đó là việc giãn dân nội đô chưa được thành phố triển khai, trong khi nhiều chung cư cao tầng ở nội đô được xây mới. Người dân ngoại tỉnh mua nhà trong nội đô nhiều khiến tình hình quá tải thêm nghiêm trọng.

“Với quy hoạch cho phép xây thêm nhiều chung cư mới, Hà Nội đang gom dân hay giãn dân khỏi nội đô?”, ông Chiến nêu vấn đề.

Theo số liệu thống kê, trước khi lên phường, Hoàng Liệt chỉ có khoảng 2.000 hộ, với gần 7.000 người. Nhưng vài năm gần đây, chung cư “mọc” lên rầm rộ khiến dân số của phường Hoàng Liệt tăng đột biến với khoảng 8.500 hộ, tổng dân số tăng gần gấp 5 lần lên 32.000 người.

Chính vì thế dẫn đến tình trạng tắc đường, nguyên nhân chính do quy hoạch đô thị còn yếu kém, trước đây người Pháp sang Việt Nam rất nhiều năm mới hoàn thành được quy hoạch Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và nhiều năm nhưng quy hoạch này vẫn hợp lý.

Quy hoạch Hà Nội cũng phải có tầm nhìn dài hạn như vậy, những quy hoạch nào không hợp lý nhất quyết phải thay đổi.

“Nếu tình trạng ùn tắc, quy hoạch tiếp tục như vậy thì vài năm nữa khách du lịch sẽ sợ không đến Việt Nam”, ông Hiểu nói.

Trả lời đoàn ĐBQH, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cho rằng, việc tăng dân số nội đô cơ học phá vỡ định hướng về mặt quy hoạch đô thị. Hà Nội không thể kiểm soát được việc người dân ngoại tỉnh vào thủ đô.

Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, dự kiến dân số Hà Nội là 10 triệu người, nhưng đến thời điểm này, dân số Hà Nội đã ở mức gần 10 triệu người rồi.

Việc xây dựng chung cư cao tầng được xem là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, nhưng mâu thuẫn ở chỗ nếu không xây dựng chung cư thì người dân không có nơi ở.

Trước đó, ngày 17/2, tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại Bộ Xây dựng, tại đây, ông Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng khẳng định: “Việc chậm lập quy hoạch chi tiết dễ dẫn đến việc bắt tay, thỏa thuận quy hoạch, cơ chế xin cho sẽ tồn tại và dẫn đến quy hoạch chung sẽ bị thay đổi”.

Theo ông Dũng, công tác dự báo quy hoạch đang không sát với thực tiễn phát triển của đô thị, nhiều quy hoạch bị điều chỉnh, công tác quản lý hành chính đô thị còn yếu, phản ứng chính sách chậm so với yêu cầu của thực tiễn, tình trạng quy hoạch chạy theo dự án.

Luật Xây dựng đã đưa ra các quy định nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.

Ví dụ, hơn 10 năm trước khi vẽ nên khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống. Nhưng chỉ một vài năm gần đây, quy hoạch khu vực bị buông lỏng, trong phạm vi chỉ có 3 ha đất mà có tới 12 tòa nhà cao tầng mọc lên, phá nát khu bán đảo…

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, điều mà người dân mong muốn và Thủ tướng yêu cầu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực này là Bộ Xây dựng sẽ đưa ra giải pháp cụ thể, quyết liệt gì trong thời gian tới để nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch, để diện mạo các đô thị của Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung thực sự đổi mới, hướng tới phát triển bền vững.

“Đừng để nhà đầu tư luồn lách, điều chỉnh quy hoạch”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu