Theo phản ánh của nhiều người dân ở khu phố 1 (Linh Tây, Thủ Đức), từ năm 2006, họ mua nền đất của Công ty Cổ phần Địa ốc Areco (nay là Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương). Để làm thủ tục sang tên, họ đã liên hệ nhiều lần với các cơ quan liên quan nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Nhà đất của người dân do công ty đứng tên
Bà Hà Thị Thu Hiền (11 đường số 1, Linh Tây, Thủ Đức) cho biết, bà mua nền đất của Công ty Bình Dương theo hình thức hợp đồng đầu tư xây dựng tại khu nhà ở Areco vào năm 2007. Nội dung thỏa thuận nêu rõ, khi bên mua thanh toán 100% giá trị hợp đồng sẽ được cấp giấy chứng nhận.
Năm 2009, bà Hiền xây nhà trên nền đất nói trên. Công ty Bình Dương giao cho bà giấy phép xây dựng của toàn khu có quy mô theo bản vẽ mẫu nhà chung do Sở Xây dựng Tp.HCM cấp. Thế nhưng, từ khi căn nhà hoàn thiện, đưa vào sử dụng đến nay, thủ tục sang tên cho bà Hiền vẫn chưa được công ty thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Na (26 đường số 2, Linh Tây) chia sẻ: “Tôi có mua nền đất của Công ty Bình Dương. Sau khi công ty giao nền chúng tôi tiến hành thực hiện các thủ tục để xây nhà ở. Dù tiền đã trả từ lâu nhưng tôi chỉ nhận được bản phôtô giấy chứng nhận mang tên công ty. Đã nhiều lần tôi liên hệ với công ty và được trả lời rằng một số căn nhà trong khu vực xây dựng sai mẫu nên phải chờ xử lý xong mới cấp giấy được".
Ông Na bức xúc bày tỏ: "Tại sao khi xây dựng cơ quan chức năng hay người ở công ty không đến kiểm tra, yêu cầu khắc phục ngay mà kéo dài đến hôm nay vẫn không xử lý. Để được cấp giấy chứng nhận, cư dân nơi đây rất muốn được cơ quan chức năng hướng dẫn khắc phục việc xây nhà sai mẫu vẽ, song chờ mãi chẳng thấy cơ quan nào chịu giải quyết. Chúng tôi sẵn sàng đóng phạt hay khắc phục hậu quả để được làm giấy chủ quyền”.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung (A78 khu nhà ở Areco), người dân đã bỏ ra một số tiền lớn để mua đất xây nhà ổn định cuộc sống. Làm sao yên tâm được khi tài sản của mình lại do công ty đứng tên. Nếu công ty không làm được giấy chứng nhận thì để người dân tự làm thay vì chờ đợi mòn mỏi như này.
Đã gần 10 năm trôi qua, nhiều hộ ở khu nhà ở Areco vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.
(Ảnh: Nguyễn Hiền)
Chủ đầu tư chờ được phạt
Bàn về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương, ông Nguyễn Đình Nhuần cho hay, công ty rất muốn sớm hoàn tất thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho cư dân. Các ngành liên quan đã có buổi làm việc để kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở khu vực trên vào năm 2013. Thực tế ghi nhận khu này có 30 căn nhà đã được xây dựng tại thời điểm kiểm tra. Thế nhưng, một số căn nhà xây dựng sai mặt đứng, tăng diện tích xây dựng, thu hẹp lỗ thông tầng. Trước thực trạng đó, tổ công tác hướng dẫn công ty liên hệ với Thanh tra Sở Xây dựng để xử lý đúng theo quy định hiện hành.
“Sau khi có cuộc họp với các bên, tôi có liên hệ với Thanh tra Sở Xây dựng nộp hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời”, theo một đại diện của Công ty Bình Dương.
Khi được hỏi về biên nhận nộp hồ sơ, vị đại diện cho biết không được ghi biên nhận, chờ đến mấy tháng không xử lý nên sợ mất hồ sơ nên ông đã đến Thanh tra Sở xin hồ sơ đem về công ty để chờ hướng dẫn tiếp, đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Trong khi đó, liên hệ với Thanh tra Sở Xây dựng, chúng tôi được biết Thanh tra Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ thuộc dự án khu nhà ở Areco của Công ty Bình Dương tính tới thời điểm hiện tại.
Công ty cần chủ động nộp hồ sơ
Trao đổi về vấn đề nêu trên, theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Tp.HCM, các trường hợp xây dựng sai mẫu vẫn phải chờ xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng. Giấy chủ quyền chỉ được cấp sau khi Thanh tra Sở phạt hoặc có văn bản cho phép dự án tồn tại. Văn phòng Đăng ký đất đai TP sẽ cấp giấy chủ quyền sử dụng đất cho người dân mua đất tại dự án của các công ty.
Riêng với trường hợp của Công ty Bình Dương, để có văn bản xử phạt, công ty phải liên hệ Thanh tra Sở Xây dựng. Sau đó, Văn phòng Đăng ký đất đai TP sẽ tiến hành cấp giấy chủ quyền sử dụng đất cho người dân. Mặt khác, công ty cũng có thể đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Đăng ký đất đai Tp.HCM, văn phòng sẽ có văn bản chuyển qua Thanh tra Sở có ý kiến.
Theo Pháp luật Tp.HCM Online