Dự án có phía Đông giáp sông Cần Giuộc, phía Tây giáp đường điện 110KV (song song đường An Phú Tây - Hưng Long và cách khoảng 280m), phía Nam giáp đường cao tốc liên vùng phía Nam (Cao tốc Bến Lức - Long Thành) và phía Bắc giáp đường điện 110KV và sông Cần Giuộc.
Sẽ có thêm khu đại học rộng hơn 500ha tại Bình Chánh (ảnh minh họa)
Theo nhiệm vụ quy hoạch, Khu đại học Hưng Long có tổng diện tích 511 ha với tính chất là khu giáo dục - đào tạo và nghiên cứu. Chức năng chính của Khu đại học Hưng Long là đào tạo đại học chuyên ngành.
Trước đó, trong cuộc họp liên sở ngành hồi tháng 1/2016, Ban Quản lý khu đô thị mới Nam thành phố đã kiến nghị UBND Tp.HCM có chủ trương cho phép các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm được tiếp cận và cùng tham gia lập quy hoạch phân khu của dự án để đảm bảo việc quy hoạch mang tính khả thi.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Tp.HCM sẽ hình thành nên 4 khu đô thị đại học theo 4 hướng chính nhằm mục tiêu giãn dân nội đô. Theo đó, tại khu vực phía Tây Nam, giáp với tỉnh Long An, Tp. HCM từ lâu đã cấp phép cho một số tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng khu đô thị Đại học Sài Gòn - Long An.
Về phía Tây Bắc, dự án khu đô thị đại học tại Hóc Môn (VIUT ) lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng, với diện tích lên tới gần 1.000ha và có số vốn đầu tư ban đầu 3,5 tỷ USD.
Còn ở phía Đông Bắc Tp.HCM khu đô thị đại học quốc gia đang được đầu tư mạnh mẽ trên khuôn viên trải dài hàng nghìn ha đất với đầy đủ các loại hình đào tạo chuẩn quốc tế, nơi đây sẽ tập trung rất nhiều trường cao đẳng, đại học được di dời trong nội đô ra.
Phía Nam thành phố sẽ có 10 trường đại học được di dời đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng để tạo nên một khu đô thị đại học mang tầm quốc tế.
Hiện nay, các trường như ĐH Quốc tế RMIT, ĐH Văn Hiến, Công an, Tôn Đức Thắng… đã được Tp. HCM phê duyệt cấp đất xây dựng cơ sở mới để chuẩn bị cho công tác di dời.
Theo Nhịp sống kinh doanh