SearchNews

Tuyến Metro số 1: Tiến độ chậm vì giải phóng mặt bằng

07/08/2014 10:41

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi kiểm tra tiến độ thi công tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) vào ngày 6/8, ông chỉ đạo: Tỉnh Bình Dương phải cấp bách giải tỏa mặt bằng, nếu không thỏa thuận được về giá cả thì nhờ đến tòa án.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn nhằm đảm bảo các tuyến Metro có sự đồng bộ, dù mỗi nhà tài trợ có một công nghệ khác nhau. Ngoài ra, các đơn vị liên quan phải rà soát, tăng tiêu chuẩn an toàn của hệ thống tàu điện ngầm trong bối cảnh các hiện tượng biến đổi khí hậu, động đất cực đoan… xảy ra với tần suất ngày càng nhiều.

Tuyến Metro số 1 vướng ngay chỗ quan trọng

Thời gian qua, các gói thầu xây dựng tuyến Metro số 1 đồng loạt được khởi công. Hiện đơn vị thi công cầu Sài Gòn của tuyến Metro số 1 đang tập trung thi công phần cọc và dự kiến đầu năm 2015 bắt đầu gác dầm. Dọc theo xa lộ Hà Nội, nhà thầu cũng khẩn trương đúc các phiến dầm để lắp đặt trên các bệ trụ đang được thi công.

dự án tuyến metro số 1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tại công trình cầu vượt Sài Gòn của tuyến Metro số 1

“Tuy phần thi công cầu cạn đạt khoảng 17% khối lượng nhưng đến thời điểm này, công trình vẫn chưa được triển khai suôn sẻ do kẹt mặt bằng” - đại diện Tổng Công ty Công trình Xây dựng Giao thông 6 (Cienco6, là liên danh nhà thầu thi công Sumitomo - Cienco6) báo cáo.

Theo vị này, đến nay chỉ còn hai doanh nghiệp thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương chưa chịu bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 1km. Nhưng đây lại là khu vực có vị trí quan trọng, nếu tiếp tục chậm trễ mặt bằng thì tiến độ toàn dự án sẽ bị ảnh hưởng.

“Theo kế hoạch, nhà thầu sẽ lao lắp dầm từ đoạn cuối dự án ngược trở vào và điểm vướng chưa giải tỏa thuộc vị trí lao lắp đầu tiên. Nếu không sớm được bàn giao mặt bằng, nhà thầu không thể khoan thăm dò địa chất, thiết kế, dẫn đến chậm trễ toàn dự án. Do vậy, tỉnh Bình Dương phải cấp bách giải tỏa mặt bằng, nếu không thỏa thuận được về giá cả thì nhờ đến tòa án. Nhưng trong khi chờ giải quyết, tỉnh vẫn phải tạo điều kiện cho nhà thầu khoan thăm dò địa chất, làm cơ sở thiết kế chứ không thể vì một vài trường hợp làm ảnh hưởng đến lợi ích chung” - Phó Thủ tướng kiên quyết.

Giải phóng mặt bằng không được làm nhiều lần

Trước chỉ đạo trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cam kết trong tháng 10/2014 sẽ bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, ông Hoàng Như Cương, Phó ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp.HCM, tiếp tục thông tin toàn tuyến Metro số 1 có thể sẽ không kịp hoàn thành vào cuối năm 2018 như kế hoạch ban đầu.

“Sự chậm trễ này xuất phát từ việc điều chỉnh thiết kế của nhà ga trung tâm Bến Thành. Ban đầu, nhà ga trên không được kết nối với các tuyến Metro khác. Sau đó, bất cập này được điều chỉnh để nhà ga trung tâm Bến Thành tích hợp với tuyến Bến Thành - Tham Lương (tuyến Metro số 2), tuyến 3a đi về Bình Chánh và số 4” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, giải thích thêm.

Cũng theo ông Tín, hệ thống đường sắt Bắc-Nam sẽ hòa vào đường sắt đô thị Tp.HCM tại khu vực Thủ Thiêm (quận 2) và ga Hòa Hưng (quận 3). Đây là hai điểm kết nối quan trọng đã được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, TP đề nghị Bộ GTVT sớm công bố quy hoạch ga Hòa Hưng để TP cắm mốc, bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa ga Hòa Hưng với tuyến Metro số 2 sắp xây dựng. Ngoài ra, việc sớm phê duyệt và công bố quy hoạch còn giúp tránh được chuyện phải giải tỏa hai lần cho hai dự án, gây bức xúc cho người dân.

Tuyến Metro số 1 có tổng vốn đầu tư hơn 47.300 tỉ đồng. Lũy kế giải ngân đến cuối tháng 7/2014 đạt hơn 3.620 tỉ đồng vốn ODA, đạt 26%. Ở tuyến Metro số 2 (tổng mức đầu tư hơn 21.100 tỉ đồng), lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay đạt gần 350 tỉ đồng vốn ODA.

Theo ông Hoàng Như Cương, Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC, đơn vị dính tới vụ hối lộ các quan chức ngành đường sắt Việt Nam) có tham gia tư vấn cho tuyến Metro số 1. Dù phần việc của JTC chỉ chiếm 4% nhưng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vẫn tạm ngưng giải ngân khiến đơn vị tư vấn trong nước gặp khó, nhiều kỹ sư bỏ việc. Trước sự việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT sớm làm việc với JICA nhằm tháo gỡ khó khăn, không để ảnh hưởng đến việc giải ngân của dự án.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu