VRN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ loại bỏ hẳn siêu dự án sông Hồng vì
không cần thiết, thiếu khả thi...
VRN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ loại bỏ hẳn siêu dự án Sông Hồng vì thiếu khả thi, không cần thiết
Sau thông tin Thủ tướng Chính phủ có văn bản nêu rõ chưa xem xét phê duyệt dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (GTTXA) do chưa đủ căn cứ và cơ sở theo quy định của pháp luật, VRN khẳng định quan điểm nhất quán không ủng hộ dự án GTTXA và đề nghị Chính phủ loại bỏ hẳn dự án này.
VRN đề nghị loại bỏ dự án này bởi các lý do sau:
Hiệu quả điện năng từ dự án này mang lại quá nhỏ (228 MW, tức tương đương với 912 triệu KW/năm) và đóng góp lượng điện chưa đến 1% tổng điện năng quốc gia, trong khi dự án có nguy cơ ảnh hưởng lớn khi làm thủy điện bậc thang.
Mặt khác, dự án này không nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 và Quy hoạch điện VII, do đó việc triển khai dự án này sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Đầu tư làm thủy điện bậc thang loại nhỏ có hiệu quả kinh tế thấp trên sông Hồng là việc không thực sự cần thiết, VRN cho biết.
Theo VRN, dự án GTTXA chưa tính đến tác động về môi trường dân sinh, sẽ ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Cụ thể, việc làm các đập thủy điện và nạo vét dòng chảy trên sông Hồng phục vụ giao thông thủy sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy, có thể gây ra sạt lở bờ sông, ngăn chặn lượng phù sa tại các hồ chứa và nhất là gây ra các hệ lụy ảnh hưởng lớn tới hệ thống thủy lợi cấp thoát nước phục vụ nông nghiệp trực tiếp cho 8 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Việc cấp phép cho dự án này sẽ đồng nghĩa với việc thiếu nước tưới cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, ảnh hưởng tới nguồn sinh kế cũng như văn hóa của hàng triệu người dân.
Bên cạnh đó, dự án này sẽ ảnh hưởng cực lớn đến đa dạng sinh học vùng sông Hồng vì thượng nguồn sông Hồng là nơi có các bãi cá đẻ và duy trì nguồn gen cho thủy sinh. Việc nạo vét làm âu thuyền và đập thủy điện trên sông Hồng sẽ chặn đường di cư của cá và các loài thủy sinh khác vào mùa sinh sản. Hiện nay, đáy sông Hồng đã được cảnh báo tụt xuống 1m, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trên cạn, theo đó đa dạng sinh học vùng sông Hồng sẽ dần biến mất.
Còn về hình thức đầu tư, theo VRN, không thể áp dụng tư duy quản lý xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) hoặc xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) của quản lý đường bộ vào đường sông.
Văn bản của VRN nêu rõ: "Hệ lụy và rủi ro trong việc giao quyền sở hữu dòng sông cho một công ty tư nhân quản lý là vô cùng lớn. Không thể áp dụng tư duy quản lý xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) hoặc xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) của quản lý đường bộ vào đường sông vì đường bộ chỉ phục vụ chức năng giao thông trong khi sông ngòi còn nhiều chức năng quan trọng khác như đảm bảo an ninh tài nguyên nước, phòng chống thiên tai, đa dạng sinh hoạt, thoát lũ và duy trì, cân bằng hệ sinh thái.
Ngoài ra, nếu tính tới bài toán rủi ro trong kinh doanh thì khi doanh nghiệp thua lỗ, theo Luật Doanh nghiệp họ có quyền bán tài sản này hoặc nhượng quyền sở hữu hoặc quyền khai thác. Chính vì vậy, nên loại bỏ dự án này ngay từ đầu để tránh các hệ lụy có thể xảy ra. Cơ quan này kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án GTTXA, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không cần thiết cho ngân sách Nhà nước.