Khó từ thủ tục mua bán…
Thực tế va chạm với thị trường mỗi ngày, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty JLL Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, thị trường bất động sản còn nhiều cơ hội bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Trong đó, trong số hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và hơn 4 triệu Việt kiều, thì số lượng người sở hữu nhà ở Việt Nam mới dừng lại ở con số vài trăm.
Lý giải thực tế trên, ông Quang cho biết, mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở, nhưng đến nay, chưa có hướng dẫn chi tiết về những vấn đề có liên quan. Ví dụ, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là có thời hạn, vậy khi họ bán lại cho người Việt Nam thì có được chuyển thành không thời hạn không? Bên cạnh đó, khi chủ nhà cho thuê, thì việc chứng minh nguồn gốc thu nhập hợp pháp này theo quy định để chuyển về nước cũng hết sức phức tạp.
“Để sở hữu nhà ở tại Việt Nam, việc đầu tiên mà khách hàng phải đối mặt là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được công chứng và dịch tại cơ quan đăng ký ở nước sở tại và một lần nữa phải được công chứng và dịch ra tiếng Việt tại phòng công chứng địa phương. Việc này tốn không ít thời gian và người mua phải trả một khoản chi phí. Nhà đầu tư sẽ không thể hồi khoản tiền đầu tư về nước nếu không cung cấp được các loại hóa đơn giá trị gia tăng, chứng từ thanh toán đối với nguồn tiền thu được từ việc bán/cho thuê… Tất cả những vấn đề này khiến số lượng Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chưa như kỳ vọng”, ông Quang nói.
… đến những vướng mắc về chuyển tiền về nước
Một nhà đầu tư khác, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, trong quá trình khảo sát khách hàng có nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam, VinaCapital phải đối mặt với những câu hỏi không dễ trả lời, như việc hạch toán các khoản thu nhập, thuế, phí, chứng minh nguồn gốc thu nhập…
Theo ông Don Lam, hiện tại, điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với cá nhân là người nước ngoài là chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài… cũng được phép sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, việc sở hữu nhà ở với Việt kiều, người nước ngoài tại Việt Nam còn không ít vướng mắc.
"Trong quý I/2017, Việt Nam đã thu hút được 7,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút 344 triệu USD, chiếm 4,5%." |
Chẳng hạn, một trường hợp người Việt ở nước ngoài được chia thừa kế và nhận bằng tiền, nhưng do vướng mắc về thủ tục, cá nhân này đã không thể chuyển tiền ra nước ngoài. Khoản tiền này được để lại ở Việt Nam để mua căn hộ để đầu tư. Căn hộ mua xong rồi lại không thể làm được thủ tục để cấp sổ đỏ. Do đó, người này đã phải bán căn hộ, nhưng tiền vẫn không thể chuyển ra nước ngoài.
“Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn với các doanh nghiệp phát triển dự án, nhưng với những nhà đầu tư cá nhân là người nước ngoài thì chưa. Dù bỏ tiền đầu tư thông qua các quỹ đầu tư hay trực tiếp sở hữu nhà ở thì với Việt kiều, người nước ngoài vẫn còn nhiều rào cản”, ông Don Lam nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, theo quy định, việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam qua hệ thống ngân hàng không có hạn chế nào, người nước ngoài có thể chuyển tiền để thanh toán việc mua nhà. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn đối với việc chuyển thu nhập từ việc bán căn hộ ra nước ngoài, nên nhân viên ngân hàng thường khá lúng túng khi xử lý những trường hợp này.
“Trường hợp người nước ngoài bán nhà tại Việt Nam để chuyển tiền ra nước ngoài thì theo quy định về ngoại hối có thể đổi thành USD chuyển vào tài khoản ở nước ngoài, nhưng phải có đủ giấy tờ hợp pháp. Do gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc thu nhập, nên khách hàng là Việt kiều, người nước ngoài chưa thực sự mặn mà với việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.