SearchNews

Bất động sản 2010: Kỳ vọng tăng giá

22/12/2009 08:36

Theo dự báo của các chuyên gia địa ốc, giá nhà đất trong năm 2010 có chiều hướng tăng hoặc chững lại trong một thời gian chứ không giảm, nếu không thì cũng chỉ giảm trong ngắn hạn rồi sau đó lại tiếp tục tăng.

Theo dự báo của các chuyên gia địa ốc, giá nhà đất trong năm 2010 có chiều hướng tăng hoặc chững lại trong một thời gian chứ không giảm, nếu không thì cũng chỉ giảm trong ngắn hạn rồi sau đó lại tiếp tục tăng.

Còn chưa đầy hai tuần nữa là hết năm 2009, dù tình hình thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM chưa có những tín hiệu khởi sắc trở lại, song nhiều chủ đầu tư, các công ty môi giới và các chuyên gia địa ốc vẫn tin vào sự hồi phục khối lượng giao dịch, đồng thời cũng kỳ vọng vào sự tăng giá trở lại của BĐS.

Ngân hàng sẽ sớm “bơm” thêm tiền

Vào đầu tháng 12-2009, các ngân hàng “khóa van” tín dụng cho đến hết năm đã khiến nhiều người lo ngại kịch bản cũ của đợt suy thoái thị trường BĐS vào đầu năm 2008 sẽ trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và khách hàng đã không phải lo ngại lâu bởi hàng loạt ngân hàng khẳng định sẽ sớm “bơm” thêm tiền cho thị trường BĐS ngay vào đầu quý I - 2010.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các chủ dự án sẽ được vay thêm để bảo đảm tiến độ tung hàng ra thị trường, còn các khách hàng an tâm khi lại được cho vay để mua căn hộ, nền đất với những khoản tiền từ 70% đến 90% giá trị của BĐS, thời gian vay từ trung bình 15 năm nay có thể kéo dài tới 30 năm.

Niềm tin này không phải không có cơ sở, bởi theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, tính đến tháng 9 - 2009, dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn đối với lĩnh vực BĐS đạt 75.800 tỉ đồng, chiếm khoảng 14% so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn và tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2008 (thời điểm thị trường BĐS được coi là đóng băng).

Rõ ràng, các số liệu trên cho thấy việc nguồn tiền từ các ngân hàng cho vay chắc chắn sẽ tạo cú hích cho thị trường BĐS khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, trong báo cáo tham luận của mình tại Hội nghị BĐS quốc tế 2009 diễn ra tại TPHCM, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đưa ra những cảnh báo cho các ngân hàng xung quanh việc cho vay vốn.

Theo ông Hạnh, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng tối đa 30% tỉ lệ nguồn vốn huy động dưới hình thức ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn là một hướng mở giúp các ngân hàng thêm khách.

Song, do đa phần nguồn vốn vay BĐS thường là trung, dài hạn nên các ngân hàng phải chủ động tăng vốn tự có, thu hút thêm nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu... để đáp ứng nhu cầu vốn và hạn chế những rủi ro trong hoạt động cho vay làm ảnh hưởng đến lĩnh vực BĐS.

Thay đổi chiến lược đầu tư

Trước đây, các nhà đầu tư vào thị trường BĐS thường hay đầu tư theo kiểu “bầy đàn”, hoặc tách bạch rất cụ thể theo ranh giới hành chính của các tỉnh, TP để xem xét các hạng mục đầu tư.

Tuy nhiên, quan điểm đầu tư “cục bộ” theo từng địa phương chắc chắn sẽ phải thay đổi, bởi mới đây Thủ tướng đã phê duyệt “Định hướng không gian xây dựng đô thị theo quy hoạch TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” thì các huyện Thuận An, Dĩ An - Bình Dương, Long Thành và TP Nhơn Trạch - Đồng Nai có vị trí quan trọng trong việc hình thành không gian đô thị khoa học và công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với không gian trung tâm TPHCM.

Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến bức tranh chung của thị trường nhà ở trong năm 2010, đặc biệt tại khu vực TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bình Dương được xem là hậu phương vững chắc của TP, hiện đã phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trong thời gian qua, có nhiều dự án lớn, cơ sở hạ tầng tốt góp phần giúp Bình Dương hỗ trợ tích cực cho TPHCM. Bên cạnh đó, thị trường BĐS Bình Dương có tương tác và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ thị trường BĐS TPHCM vì hiện đang thu hút một lượng các nhà đầu tư từ TPHCM.

Còn tỉnh Đồng Nai, cửa ngõ phía Đông TPHCM, có vị trí hết sức thuận lợi kết nối với các tỉnh, giao thông huyết mạch, cộng với nhiều dự án hạ tầng phát triển nhanh chóng, giá đất còn thấp, xét về triển vọng phát triển trong dài hạn có thể vượt xa Bình Dương. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, hiện Đồng Nai chưa có nhiều hoạt động giải trí thương mại và công trình tiện ích.

Nghiên cứu mới đây của Công ty VietRees cho thấy có nhiều khách hàng là nhà đầu tư sẽ gia tăng hay chuyển hướng đầu tư vào các vùng ven TPHCM và các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai...

Còn các chuyên gia địa ốc cho rằng dựa theo các diễn biến về giá BĐS nhà ở tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, dự báo năm 2010, giá nhà đất có chiều hướng tăng hoặc chững lại trong một thời gian chứ không hề giảm, nếu giá giảm đó là chỉ giảm trong ngắn hạn rồi sau đó lại tiếp tục tăng. Ngoài ra, giá cả nhiều dự án trong năm 2010 sẽ hợp lý hơn với những người có nhu cầu thực sự.

(Theo NLĐ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu